Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

ĐỨC HỒNG Y PHANXITCO NGUYỄN VĂN THUẬN

Huy hiệu Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, có khẩu hiệuLatinh nghĩa là: "Vui mừng và hi vọng"
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là một Hồng y của Giáo hội Công giáo Rôma, từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Tòa Thánh Vatican.
Thiếu thời
Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928 tại Phủ Cam, Huế. Ông là anh cả trong một gia đình có 8 anh chị em, cha là ông Nguyễn Văn Ấm, mẹ là bà Ngô Đình Thị Hiệp - bà là em ruột của Giám mục Ngô Đình Thục và tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ông theo học tại Tiểu chủng viện An Ninh, Quảng Trị và Đại chủng viện Kim Long, Huế. Ngày 11 tháng 6 năm 1953, ông được thụ phong linh mục và ngay sau đó được bổ nhiệm làm cha phó xứ tại họ đạo Phanxicô.
Năm 1956, Giám mục của Giáo phận Huế cử ông đi du học giáo luật tại Đại học UrbanRoma. Năm 1959, ông đậu bằng tiến sĩ giáo luật với luận án tiến sĩ "Tổ chức Tuyên úy Quân đội trên thế giới", và trở về dạy tại Tiểu chủng viện Hoan Thiện, Huế. Một năm sau ông được cử làm giám đốc (bề trên) tiểu chủng viện này.

Giám mục
Ngày 13 tháng 4 năm 1967, ông được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang, lễ tấn phong diễn ra vào ngày 24 tháng 6 tại Huế, và lễ nhậm chức vào ngày 10 tháng 7 cùng năm. Ông đã chọn khẩu hiệu trong cuộc đời làm Giám mục như tên một hiến chế của Cộng đồng Vatican thứ II là Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes). Trong thời gian làm Giám mục Giáo phận Nha Trang ông còn được trao các chức vụ: Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam (1967-1975), Chủ tịch Ủy ban Phát triển của Hội đồng Giám mục Việt Nam (1967-1975), Cố vấn Ủy ban Giáo hoàng về giáo dân (1971-1978).
Năm 1970, nhân kỷ niệm 300 năm Giám mục Lambert De La Motte (phiên âm tên Việt là Lâm Bích) đến Giáo phận Nha Trang, Giám mục Nguyễn Văn Thuận đã sáng lập Chủng viện Truyền giáo Lâm Bích.

Tổng Giám mục phó
Ngày 23 tháng 4 năm 1975, ông được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó của Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông tạm hoãn về Sài Gòn, đến ngày 7 tháng 5 thì ông mới về thành phố này để nhận nhiệm vụ mới. Ngày 1 tháng 7 năm 1975, chính quyền chính thức yêu cầu Giám mục Nguyễn Văn Thuận trở về chức vụ cũ tại giáo phận Nha Trang như trước đây. Chính quyền mới đã không cho phép ông giữ chức vụ này và sau đó giam giữ ông ở khắp nơi chỉ vì ông là người thân của chính quyền đối lập VNCH mới sụp đổ, cuối cùng cấm ông quay về VN từ năm 1988 nên hầu như ông không bao giờ ở TP.HCM để thực hiện sứ vụ (nhưng trên lý thuyết ông vẫn được Tòa Thánh công nhận giữ chức vụ này cho đến khi ông từ chức vào năm 1994).

Bị tù
Đến ngày 15 tháng 8 cùng năm, chính quyền bắt giam ông và ông bị giam giữ tại nhiều nơi khác nhau: nhà tù Nha Trang (từ ngày 19 tháng 3, 1976); biệt giam ở Việt Bắc, quản chế tại Giang Xá (Sơn Tây), Phùng Khoang (Hà Đông) mà không qua một phiên tòa xét xử về tội danh nào. Trong tù, ông vẫn cử hành thánh lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ông, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử. Với những thứ đó, mỗi ngày ông dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành bí tích Thánh Thể (thánh lễ). Buổi tối, khi ông và các tù nhân khác phải đi ngủ, họ nằm sát nhau để cử hành thánh lễ, sau đó lén chuyền Thánh Thể cho nhau qua các tấm màn chống muỗi. Họ dùng bao thuốc lá để cất giữ Thánh Thể.
Cũng trong thời gian bị tù đày ông viết tác phẩm Đường hy vọng, được đánh giá là một di chúc tinh thần xúc động đối với nhiều người Công giáo Việt Nam. Đến ngày 23 tháng 11 năm 1988 thì ông được thả tự do và bị quản chế tại tòa Giám mục Hà Nội.

Lưu vong
Năm 1989 ông được phép xuất ngoại sang Úc thăm cha mẹ đang sống tại đó, sau đó sang Roma gặp Giáo hoàng. Quay trở về Việt Nam, tháng 11-1989 ông mắc bệnh viêm tiền liệt tuyến, đã được nhập viện Bệnh viện Việt Đức Hà Nội và được giải phẫu, nhưng bệnh tình nặng kéo dài, nên mới được phép đi Roma tiếp tục điều trị. Ông đến Roma tháng 4-1990.
Trong khi đang được điều trị bệnh tại Roma, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố ông không còn được trở lại Việt Nam (persona non grata). Tại Roma, ông được mời làm thành viên Ủy ban Quốc tế về Di trú và Di dân. Ngày 9 tháng 4 năm 1994, Tòa Thánh bổ nhiệm ông làm Phó chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, cũng trong thời gian này ông đã từ chức Tổng Giám mục phó TGP TP.HCM (mặc dù ông không được chính quyền VN công nhận làm TGM phó từ sau sự kiện 30 tháng 4 nhưng trên lý thuyết ông vẫn được công nhận bởi Tòa Thánh cho đến ngày từ chức). Ngày 11 tháng 5 năm 1996 ông được nhận bằng Tiến sĩ Danh dự tại Đại Chủng Viện Notre Dame ở New OrleansLouisianaHoa Kỳ. Ngày 24 tháng 6 năm 1998, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, thay thế cho Hồng y Y. R. Etchegaray nghỉ hưu.

Thăng hồng y và qua đời
Ngày 21 tháng 1 năm 2001Giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố tuyển chọn ông vào Hồng y đoàn, tước hiệu Hồng Y nhà thờ Santa Maria della Scala. Do không thể quay về Việt Nam nên ông tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình ở Vatican với tư cách hồng y bậc phó tế, nên ông là hồng y bậc phó tế đầu tiên người Việt Nam và là hồng y thứ 4 Việt Nam. Thời điểm này, dư luận Công giáo trên thế giới đặc biệt chú ý đến ông. Trong số phàt hành ngày 21 tháng 2 năm 2001, Nhật báo The Los Angeles Times có bài với nhan đề "The Men Who Would Be Pope?" (Người có thể lên ngôi Giáo hoàng?) đã dự đoán danh sách 14 vị hồng ý có nhiều khả năng kế vị Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong đó có Nguyễn Văn Thuận. Ngày16 tháng 9 năm 2002, ông qua đời tại Roma do bệnh ung thư ruột.
Phong chân phước.
Ngày 17 tháng 9 năm 2007, Giáo hội Công giáo Rôma bắt đầu những thủ tục đầu tiên cho việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho ông. Đây là lần đầu tiên có một người Việt Nam được khởi sự án phong chân phước mà không phải là Thánh tử đạo Theo tiến trình phong thánh của Giáo hội Công giáo Rôma thì Hồng y Nguyễn Văn Thuận đang ở bậc Tôi tớ Chúa (một trong bốn bậc phong thánh: Đấng Đáng kínhTôi tớ ChúaChân phướcThánh). Ngày 16 tháng 1 năm 2009, Tòa giám quản Rôma ban Án lệnh chính thức để vận động thu thập những chứng cứ, tài liệu, tác phẩm của/về Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận để phục vụ cho án phong chân phước cho ông.

Ngày 22 tháng 10 năm 2010, án phong chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được chính thức khởi sự. Tuy nhiên, tiến trình phong chân phước cho Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị chính quyền Việt Nam phản đối và cản trở. Có ý kiến từ giới trí thức Công giáo người Việt ở nước ngoài cho rằng, chính án tù kéo dài mà Hồng y Thuận phải chịu sau năm 1975 ở Việt Nam là một vấn đề. Chính quyền đã ngăn chặn nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức, một nhân chứng trong tiến trình phong chân phước cho Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khi ông đang lên máy bay đi Roma theo lời mời của Tòa thánh Vatican tham dự lễ "Bế mạc phần điều tra tại địa phương" trong hồ sơ phong chân phước và hiển thánh cho Hồng Y Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Những câu nói
Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Ki Tô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu.
"Năm chiếc bánh và hai con cá"- Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận

Con có một Tổ Quốc: Việt Nam. Quê hương yêu quý ngàn đời. Con hãnh diện. Con vui sướng. Con yêu non sông gấm vóc. Con yêu lịch sử vẻ vang.
"Năm chiếc bánh và hai con cá"- Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận

Đồng tiền nếu bạn đặt dưới chân sẽ là bệ đỡ còn nếu bạn đặt trên đầu nó sẽ là gánh nặng
"Đường Hy Vọng"- Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét