Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

HỒI KÝ BAO NỖI TANG THƯƠNG CỦA TÂM NGUYÊN TRÍ LỰC - KỲ 4


12 

Trại giam Z30A Xuân Lộc

 Ngày 20 tháng 9 năm 1995, một toán công an vũ trang áp giải tôi và hai người khác từ khám đường Chí Hòa đến trại Z30A, huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Trại giam này tọa lạc gần ngọn núi Gia Rây (còn gọi là Gia Lào), cách ngã ba ông Ðồn khoảng chừng năm cây số. Chúng tôi bị tra chân vào cùm trên một chiếc xe tải, cửa đóng bịt bùng.
     Ðến phân trại K2 khoảng mười hai giờ, chúng tôi vẫn phải ở trên xe chờ đến hơn một tiếng đồng hồ, rồi mới được tháo cùm chân để vào làm thủ tục nhập trại. Kể từ ngày bị bắt trong đợt đi cứu trợ đồng bào vào năm ngoái, hôm nay tôi mới được trông thấy vòm trời bao la cao rộng, cùng cảnh vật thiên nhiên. Dù đang mang thân phận kiếp sống tù đày, hoàn toàn mất tự do, nhưng khi nghĩ lại những tháng ngày bị cấm cố trong bốn bức tường vây kín, tối tăm ngột ngạt, thì giờ đây, tôi cảm thấy có chút gì đó thoải mái hơn.

     Nhìn cảnh vật chung quanh làm tôi nhớ lại những năm về trước, có vài lần tôi đi theo đoàn Tăng Ni và Phật tử do Hòa thượng Thích Tâm Hướng tổ chức; chúng tôi đến trại này để thăm Hòa thượng Thích Ðức Nhuận - Cố vấn Viện Hóa Ðạo; quý Thượng tọa Thích Trí Siêu, Thích Tuệ Sỹ, Thích Nguyên Giác… cũng bị giam giữ ở đây.

     Phân trại K2 có khoảng một nghìn phạm nhân, đủ mọi thành phần và tội trạng. Từ cổng chính đi vào là sân cỏ rộng, dùng làm nơi phạm nhân tập họp để xuất trại đi lao động và cũng là sân bóng đá. Kế sau sân cỏ là hội trường, hai bên là các khu giam giữ phạm nhân. Thường ngày, mọi người bị cưỡng bức lao động, làm đủ mọi thứ công việc. Có vài khu biệt giam nằm ở góc phía sau hội trường, hoàn toàn cách ly với các phạm nhân khác; như trường hợp bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, ông Nguyễn Hữu Cầu và một số tù nhân chính trị khác đều bị giam riêng ở đây.

     Một hôm nọ, tôi vào quán bán hàng trong trại để mua đồ, bất chợt có một thanh niên trạc chừng hai mươi tuổi đến chào tôi và tỏ ý xin giúp đỡ. Nhìn gương mặt xanh xao hốc hác, tôi hỏi thăm mới biết người ấy vừa mới hết thời hạn thi hành kỷ luật trại giam. Anh ấy cho biết, mỗi ngày hai bữa, anh được phát cơm có chan sẵn nước muối, mặn hay nhạt cũng phải ráng nuốt vào miệng, bởi vì chẳng còn thức ăn nào khác. Tại buồng kỷ luật, ai cũng bị cùm một hoặc hai chân, tùy mức độ vi phạm. Ở đây một tháng, cán bộ trại giam chuyển tôi ra phân trại K1. Hầu hết những tù nhân chính trị và tôn giáo đều tập trung ở phân trại này, có khoảng gần hai trăm người tù chính trị trong tổng số chừng sáu trăm phạm nhân ở đây.

     Ðược biết vừa qua, sau cuộc nổi dậy của tù nhân chính trị ở thung lũng tử thần, tức trại A20, Xuân Phước, tỉnh Phú Yên (miền Trung Việt Nam), cục quản lý trại giam V26 đã di chuyển một số chính trị phạm chủ chốt ra trại Ba Sao, huyện Phủ Lý, tỉnh Nam Hà (miền Bắc Việt nam), số còn lại được chuyển vào trại Z30A Xuân Lộc.

     Năm 1996, bộ Nội vụ mở đợt học tập chính trị về đường lối chính sách của đảng Cộng sản và nhà nước. Kết thúc đợt học tập này, mỗi người phải viết một bản thu hoạch để nộp, nhưng thật sự là để chúng trắc nghiệm tư tưởng. Quý thầy Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát), Thích Thiện Minh (Huỳnh Văn Ba), Phạm Trần Anh, Nguyễn Viết Huân (tu sĩ dòng Ðồng Công - Thiên Chúa Giáo), các vị chức sắc Cao Ðài, Hòa Hảo…và rất nhiều người khác đã mạnh dạn lên án chế độ độc tài đảng trị, đòi hỏi đảng Cộng sản đương quyền phải hủy bỏ điều 4 ghi trong Hiến pháp, để tiến tới một nền dân chủ đa nguyên.

     Sau sự việc này, thầy Thích Trí Siêu là người đầu tiên bị chuyển vào phân trại K2, biệt giam ở khu vực cách ly. Số tù nhân chính trị có tư tưởng chống đối được thể hiện qua bản thu hoạch vừa rồi, thì sẵn sàng chờ đợi biện pháp xử lý của ban giám thị trại giam.

     Một hôm nọ, đội chúng tôi đi lao động ở khu vực đồi Phượng Vĩ, trở về thì gặp cơn mưa lớn, ai nấy đều ướt sũng, quần áo dính đầy đất bùn đỏ. Về đến cổng trại, cả đội đang xếp hàng chờ kiểm tra để vào trại, bất chợt vài cán bộ có vũ trang gọi riêng thầy Thích Thiện Minh tách ra khỏi hàng. Mọi người ngơ ngác không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Công an trại giam dẫn thầy lên một chiếc xe đậu sẵn gần đó, rồi rồ máy chở đi. Tôi vào buồng giam soạn hết đồ đạc của thầy, rồi giao cho cán bộ trực trại theo yêu cầu của họ. Sau này mọi người hỏi thăm mới biết thầy Thiện Minh bị đưa vào K2 biệt giam. Ðây là đòn trả đủa thứ hai của nhà cầm quyền cộng sản đối với những người bất đồng chính kiến tại trại giam Z30A sau vụ việc vừa qua.

     Thầy Thích Thiện Minh thế danh Huỳnh Văn Ba xuất gia từ nhỏ, người ở tỉnh Minh Hải (Cà Mau), bản tính khí khái, không chịu khuất phục trước bạo quyền. Năm 1975, khi quân cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, Ủy ban quân quản ban hành chính sách chiếm dụng các cơ sở tôn giáo, trong đó có nhiều chùa chiền thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thầy khẳng khái lên tiếng phản đối. Chính quyền cộng sản bắt giam thầy Thích Thiện Minh rồi kết án tù chung thân với tội danh “Âm mưu lật đổ chính quyền’’.

     Sau cuộc nổi dậy của số tù nhân chính trị tại thung lũng tử thần A20 Xuân Phước, thầy Thiện Minh là một trong những người chủ chốt, cùng với một số anh em khác tổ chức vượt trại. Sự việc bất thành, thầy bị tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên kết thêm một bản án chung thân nữa. Người tù chính trị kiên cường mang hai bản án chung thân ấy luôn luôn đứng về phía chính nghĩa, thẳng thắn lên tiếng khi gặp sự áp bức, bất công, phi lý của ban giám thị và cán bộ trại giam. Bởi vậy, thầy thường xuyên bị gán ép vi phạm nội quy và chịu cùm chân ở buồng biệt giam nhiều ngày, gọi là thi hành kỷ luật.

     Chúng tôi thiết tha kêu gọi Tổ chức Ân xá Quốc tế, Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, cùng các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới…, xin hãy vì công lý, bình đẳng, để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy trả tự do cho các tù nhân vì lương thức, trong đó có thầy Thích Thiện Minh, bác sĩ  Nguyễn Ðan Quế, giáo sư Nguyễn Ðinh Huy  v.v...  
 
Biểu tượng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
13

Kiếp lao ngục đọa đày


     Gần một phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản, có ai tả xiết bao nỗi đắng cay đày ải mà hàng nghìn hàng vạn người phải gánh chịu trong chốn lao tù. Rộng ra nữa, chế độ độc tài đảng trị đè nặng lên kiếp sống người dân hai miền Nam Bắc. Chính sách sai lầm tai hại trong thời kỳ cải cách ruộng đất giữa thập niên 50 ở miền Bắc đã giết hại oan uổng bao nhiều người vô tội. Tám chục triệu con dân Lạc Việt phải chịu cảnh cơ cực lầm than bởi hơn hai triệu đảng viên đảng Cộng sản nắm quyền sinh sát trong tay.

     Cái gọi là tập trung cải tạo sau tháng tư đen năm 1975, chính quyền cộng sản đã đày đọa bao nhiêu viên chức sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa, các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhân sĩ, trí thức…, cùng những người dám nói lên tiếng nói lương thức để đòi lại quyền con người và tự do dân chủ thực sự. Trong cảnh lao lung, có những người đã vùi chôn thân xác và mãi mãi ra đi.

     Ðầu mùa hè năm 1996, tiết trời nóng bức, cỏ cây hoa lá đều nhuốm bụi hồng, một màu hồng của miền đất đỏ Xuân Lộc. Hầu hết số tù chính trị ở phân trại K1 đều bị cưỡng bức lao động, tất cả được điều động đào đất đổ nền móng xây dựng khu văn phòng làm việc của ban giám thị trại giam. Tính theo số người trong đội, mỗi người buộc phải hoàn thành một mét rưỡi khối đất mỗi ngày. Cứ hai người khiêng một trạc, đi đi lại lại, cố gắng làm xong chỉ tiêu trong ngày để về ngơi nghỉ. Ðội chúng tôi làm việc quần quật ròng rã hơn cả tháng trời, ai nấy đều bơ phờ mệt mỏi, chân tay rã rời, có người đã ngất xỉu ngay trên công trường. Mọi người chỉ biết ngậm đắng nuốt cay, đành lòng chấp nhận một kiếp tù đày.

     Sau thời gian lao khổ ấy, tất cả phạm nhân toàn phân trại lại bị buộc phải đi lao động vào sáng chủ nhật hàng tuần mà không được nghỉ bù. Lẽ ra ngày này chúng tôi được nghỉ lao động theo quy chế trại giam. Mọi người tập trung vào công việc góp nhặt những tảng đá lớn nhỏ nằm rải rác trên các triền đồi phía sau chùa Lam Viên. Vào giờ nghỉ giải lao, được sự đồng ý của cán bộ, tôi vào chùa thắp nhang lễ Phật. Thế là ngót hai năm nay, tôi mới có nhân duyên được đỉnh lễ ngôi Tam Bảo. Nước mắt tự nhiên tuôn trào, tôi chạnh lòng nghĩ đến hai vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ, tôi nhất tâm cầu nguyện quý ngài pháp thể khinh an, sớm thoát khỏi vòng lao lý và mong sao pháp nạn mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang gánh chịu sớm được giải trừ.


     Công việc lao động sáng chủ nhật được vài tuần thì xảy ra sự chống đối của một số anh em tù chính trị vào cuối tháng 5 năm 1996. Các vị này chống lại việc cưỡng bức lao động bằng cách không chịu xuất trại. Cuộc cãi vã bột phát giữa sân trại chẳng khác nào một cuộc nổi dậy chưa từng có. Các bạn Nguyễn Văn Biên, Thái Phi Kích, Nguyễn Văn Tựu, Lê Văn Thể, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Thanh Hồng, Nguyễn Viết Ðào v.v… là trong số những người phản kháng ra mặt. Tuy nhiên, chỉ có Nguyễn Thanh Hồng và Nguyễn Viết Ðào nhận quyết định thi hành kỷ luật, hai anh bị đưa vào phân trại K2 và chịu cùm chân ở buồng kỷ luật.

     Thế rồi, bản kiến nghị của gần hai trăm chính trị phạm toàn trại đòi cải thiện chế độ lao tù và chấm dứt việc cưỡng bức người già yếu lao động khổ sai được soạn thảo. Văn bản được lén chuyển ra ngoài an toàn, trân trọng gửi đến Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam ở Paris. Ông Võ Văn Ái đã công bố sự trạng này tại Hội trường Liên Hiệp Quốc gây chấn động dư luận quốc tế, các tổ chức bảo vệ quyền con người cùng lúc mạnh mẽ lên án Hà Nội vi phạm nhân quyền và đàn áp tù nhân chính trị tại Việt Nam.

     Kết quả đưa đến sự việc là toàn bộ ban giám thị trại Z30A Xuân Lộc bị thuyên chuyển. Do đó, vòng đai an ninh kiểm soát chặt chẽ hơn trước nhiều, số tù chính trị lao động tự giác bị hạn chế. Thậm chí ngôi nhà lô của thầy Thích Không Tánh ở khu vườn điều bên ngoài cũng bị đốt cháy rụi vào lúc nửa đêm, mái tranh vách nứa trở thành một đống tro tàn. Có lẽ ngôi nhà này bị tình nghi là nơi trung chuyển tin tức và các văn bản ra ngoài.


Nhục hình trong chế độ lao tù cộng sản

     Khu đất vườn phía tay trái nhìn từ cổng trại vào nay được khởi công xây dựng hai dãy nhà giam mới để giam giữ tù nhân chính trị, phòng ốc cũng rộng rãi và chỉnh trang hơn, có bể chứa nước được bơm từ giếng bên ngoài, nhất là mùa nắng hạn có nước dự trữ để dùng.

     Cuối năm 1996, tôi được chuyển qua đội trồng rau xanh, sau đó lại được phân công dạy học cho một số anh em cần bổ túc văn hóa, cho đến ngày mãn án ba mươi tháng tù giam.
Biểu tượng Tổ chức Ân xá quốc tế
  
 14

Án lệnh quản thúc


     Ngày 13 tháng 2 năm 1997, cán bộ trực trại dẫn tôi vào văn phòng ban giám thị để làm thủ tục mãn án. Cầm tấm giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù, bên dưới có ghi thêm dòng chữ: “ Quản chế 5 năm sau khi mãn hạn tù, tước quyền bầu cử…’’, tôi thầm nghĩ rằng, mình sắp rời khỏi trại giam Xuân Lộc, gọi là được trả tự do, song thật sự là cuộc đời mình bắt đầu bước chân vào một nhà tù lớn. Nhà tù này tuy không có cửa khóa bịt bùng, bên ngoài không có hàng rào điện tử để báo động khi có người trốn trại, mà chính quyền cộng sản Việt Nam đã lấy nhà chùa biến thành nhà tù, như họ đã từng giam giữ Hòa thượng Thích Quảng Ðộ ở Vũ Ðoài, tỉnh Thái Bình; Hòa thượng Thích Huyền Quang ở chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi; Thượng tọa Thích Liễu Minh ở một ngôi chùa làng hẻo lánh thuộc tỉnh Tiền Giang v.v… Nhà tù lớn này luôn luôn có công an ngoại tuyến rình rập, theo dõi; mỗi tháng phải đi trình diện, đi đâu xa thì phải xin phép, đủ chuyện trên đời. Ðang miên man nghĩ ngợi, chẳng mấy chốc tôi đã ra đến ngã ba ông Ðồn, rồi đón xe trở về thành phố.
 

     Theo giấy ra trại, tôi về lại chùa Pháp Vân, đến trình diện công an phường 18, quận Tân Bình và tiếp tục thi hành bản án quản chế 5 năm.


     Mặc dầu tôi đã gửi đơn yêu cầu được trở về lại chùa Liên Hoa, ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai; hoặc là chùa Hoa Nghiêm, thôn Ðại Ninh, xã Ninh Gia, huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng; là hai nơi tôi trú trì trước đây, thế nhưng vẫn không được chính quyền giải quyết, cho nên tôi đành phải làm thủ tục tạm trú ở đây, có sự bảo lãnh của Hòa thượng trú trì Thích Thật Trí.

     Một buổi sáng nọ, tôi có công việc phải rời chùa khoảng hai tiếng đồng hồ. Khi trở về thì thấy đồ đạc của mình bị vứt ra khỏi phòng, tôi hỏi các chú ở nhà thì được biết, họ chỉ làm theo lệnh của thầy Thích Phước Trí ở chùa Vạn Phước, người tạm thời trông coi ở đây. Trước tình cảnh này, nếu là một công dân được tự do, thì tôi đã trở về chùa cũ từ lâu. Ngặt nỗi, tôi là tù nhân đang thi hành án lệnh quản thúc của chính quyền, thì làm sao tôi có thể tự ý rời bỏ chỗ này để đi nơi khác khi chưa có lệnh của cơ quan công an thành phố. Tấn thối lưỡng nan, chưa biết phải tính thế nào, tôi bách bộ trước sân chùa.

     Ðứng dưới bóng cây mai, tôi nghiêm trang nhìn nấm mộ cố Thượng tọa Thích Thanh Văn, cựu giám đốc trường Thanh niên phụng sự xã hội, bên cạnh những nấm mộ của nhiều cựu tác viên bất hạnh, đã bị Việt cộng ném lựu đạn gây tử thương trong lúc sinh hoạt và làm công tác ở đây vào khoảng thập niên 60. Bất chợt tôi nhớ lại và cất tiếng ngâm nga bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của thiền sư Chánh Thống, hiệu Bích Phong, chùa Quy Thiện, Huế:

     Do lai duật bạng cửu tương trì,
     Ðể sự tang thương vị liễu kỳ.
     Bán chẩm Hoàng lương kinh mộng hậu,
     Tiền trần hồi thủ sự giai phi.

     Tạm dịch:

     Cò hến giằng co gẫm nực cười,
     Bể dâu dồn dập mấy phen rồi.
     Kê vàng nửa gối bừng đôi mắt,
     Còn mất hơn thua cũng chuyện đời.


     Bỗng phía ngoài cổng chùa có tiếng xe gắn máy chạy vào, thì ra, công an phường 18 quận Tân Bình đến gửi giấy mời, rằng tôi phải có mặt tại trụ sở Ủy ban phường 18 ngay bây giờ để làm việc.

     Tôi đến trụ sở Ủy ban nhân dân phường theo giấy mời, ông chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường tiếp tôi. Sau vài câu thăm hỏi xã giao, ông ấy chậm rãi đi đến bàn giấy lấy một xấp hồ sơ và tài liệu của Viện Hóa Ðạo - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - ông mang đến để trước mặt tôi rồi hỏi:

     - Ðây là những tài liệu mang nội dung chống phá nhà nước, có phải của thầy cất giữ hay không?

     Tôi thản nhiên hỏi lại:

     - Thế cơ quan an ninh của các ông tịch thu các giấy tờ này ở đâu mà bảo rằng đó là của tôi?

     - Sáng nay, thầy Phước Trí là người đang nộp đơn xin chúng tôi hợp thức hóa trú trì chùa Pháp Vân thay thế Hòa thượng Thích Thật Trí nay đã già yếu, thầy ấy tự động sai người mang những tài liệu giấy tờ này ra giao nộp chính quyền, bảo rằng những thứ này lấy ở trong kệ sách của thầy Trí Lực.

     Nói xong, ông ấy bèn đi ra ngoài vì có ai chờ đợi việc gì đó nảy giờ.

     Còn lại một mình trong phòng, tôi tập trung suy nghĩ sẽ đối phó sự việc này như thế nào? Bỗng nhiên, một viên công an phường bước vào, hình như ông ấy tỏ vẻ có thiện cảm với tôi. Ông ta nói:

     - Thầy nên phủ nhận là hơn.

     Tôi hỏi ngay:

     - Ông nghĩ thế nào, tại sao thầy Phước Trí cố tình làm hại tôi như vậy?

     - Cũng dễ hiểu thôi, thầy ấy muốn chùa Pháp Vân không dính dáng gì đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để lấy điểm tốt với chính quyền, đó cũng chỉ là một cách lập công.

     Rồi viên công an này còn cho tôi biết thêm, trong thời gian tôi ở tù, thì ngoài này thầy ấy đã lo quà cáp để vận động chính quyền địa phương không đồng ý cho tôi trở về chùa Pháp Vân sau khi mãn án tù, mà sẽ chuyển đi quản thúc ở một nơi khác.

     Tôi cười và nói:

     - Hèn gì ngày tôi đến trình diện, ông  trưởng công an phường ngạc nhiên bảo rằng, sao tôi lại về đây? Tôi trình giấy ra trại và trả lời rằng, tôi đâu có biết, trong giấy ghi tôi về trình diện ở đâu, thì tôi phải đến trình diện ở đó.

     Ông ấy mỉm cười thông cảm gật đầu chào tôi rồi đi ra. Một lát sau, ông Chủ tịch Mặt trận phường trở vào tiếp tục làm việc với tôi. Uống xong cốc nước, ông ấy chậm rãi nói:

     - Sao, thầy vừa mới đi cải tạo về mà lại còn ngoan cố lưu giữ tài liệu chống phá cách mạng, như vậy là vi phạm pháp luật và có thể bị truy tố ra tòa.

     - Tôi hoàn toàn phủ nhận. Tại sao các cơ quan an ninh không ra lệnh khám xét chỗ ở của tôi để lập biên bản thu giữ, gọi là biên bản phạm pháp quả tang rồi xử lý. Trong các tài liệu đó có chữ ký của tôi hay không? Có bút tích của tôi hay không? Nếu có thì tôi sẽ chịu trách nhiệm hình sự. Nhân đây, tôi cũng xin báo cho chính quyền biết, sáng nay, thừa dịp tôi đi vắng, thầy Phước Trí đã sai chúng điệu vứt hết đồ đạc và giấy má của tôi ra khỏi phòng, tôi sẽ làm đơn tường trình sự việc, yêu cầu chính quyền giải quyết cho tôi trở về chùa cũ của tôi.

     Một lát sau, ông ấy bảo tôi ra về và hãy chờ ý kiến cấp trên.

     Tôi trở về rồi vội vàng đi đến chùa Long Vĩnh, đường Lê Văn Sĩ, quận 3. Hôm nay là ngày giỗ cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, ngày mà gần hai mươi năm trước, chính quyền cộng sản đã tra tấn ngài đến chết một cách đau thương trong ngục tù. Trang nghiêm trước di ảnh của ngài, tôi thắp hương tưởng niệm và chí thành đỉnh lễ Giác linh.

     Mặc dù tôi đã làm đơn gửi đến bộ Công an ở Hà Nội trình bày sự việc, yêu cầu cơ quan thẩm quyền giải quyết tình trạng của tôi. Tôi mong ước được trở về chùa cũ hay một nơi nào đó để tiếp tục thi hành án lệnh quản thúc. Thế nhưng hoàn toàn vô vọng, chẳng thấy họ hồi âm. Theo pháp lý, tôi không thể nào tự ý rời bỏ nơi chỉ định cư trú khi chưa có ý kiến của cơ quan chủ quản là PA38, công an thành phố. Thế nên, suốt cả tháng trời, tôi đành phải trải chiếu gối ngủ ở hiên chùa, đêm đêm ngắm nhìn trăng sao đầy trời bao la cao rộng, nhiều lúc cũng gặp cảnh gió lộng mưa chan. Ðến thế là cùng, tôi trở thành một người tù không có buồng giam.

     Sở dĩ tôi ghi lại sự việc này, một quá khứ dở khóc dở cười, pha lẫn chút oái oăm, không phải tôi có ý oán hờn trách móc ai, mà chính là tôi muốn nói lên bản chất của chế độ cộng sản. Bản chất ấy có thể sản sinh ra những con người đối xử với nhau một cách cạn tàu ráo máng: con tố cha, vợ tố chồng, anh tố em, trò tố thầy… Chủ nghĩa cộng sản vốn mang bản chất tựa hồ loài bọ ngựa, chúng có thể cấu xé, nhai nuốt hoặc tàn hại đồng loại mà không chút thương tâm. Làm sao mà trong tình đời nghĩa đạo với nhau, lại có những người nhẫn tâm đặt bút ký tên thỉnh nguyện, đề nghị chính quyền cộng sản đưa những người đồng hội đồng thuyền với mình phải chịu cảnh lưu đày biệt xứ, còn đâu là tình cốt nhục Linh Sơn? Làm sao mà hàng hậu bối có thể đi tố giác với thế tục quyền những việc làm chính đáng của thầy tổ mình, mà việc làm ấy đúng thật là đại nghĩa, vì sự sống còn của Giáo hội truyền thống, được truyền thừa bởi lịch đại
Tổ sư?


Trở về quê cũ     
 
     Mấy tháng sau, tôi quyết định trở về chùa Linh Mụ mà chẳng cần báo với công an. Dù sao chăng nữa, tôi nghĩ rằng, đi đâu cũng không bằng trở về chùa thầy tổ của mình. Vả lại, chùa Linh Mụ nằm trong địa phận thôn An Ninh Hạ, xã Hương Long, huyện Hương Trà, là làng quê của tôi, chỉ cách chùa cánh đồng Trường thi và mấy lũy tre xanh. Qua khỏi cầu chợ Thông, băng ngang xóm Rào, mọi người đã trông thấy mấy tầng cao của ngọn tháp Phước Duyên vượt lên khỏi rặng dương liễu phía sau chùa. Ðêm khuya, hòa lẫn tiếng gà gáy sáng, tiếng chuông Linh Mụ vẳng nghe mồn một, dường như đó là chiếc đồng hồ báo thức cho dân làng, mọi người thức dậy sửa soạn gồng gánh ra đi cho kịp phiên chợ sớm, hoặc chuẩn bị cơm nước để ra đồng lo việc cày cấy ruộng nương. Có những đêm khuya, nhất là mùa đông giá lạnh, thỉnh thoảng chúng tôi lại ngủ quên nên trễ nải giờ giấc đánh chuông. Thế là sớm mai, khi quét lá sân bảo tháp, gặp một vài o lật đật quảy gánh đi ngang, mấy o toét miệng cười vừa mắng vốn chúng tôi về lỗi ngủ quên, làm cho họ phải chậm trễ buổi chợ.

     Chuyến xe lửa Nam Bắc tạm dừng ở ga Huế. Sau những năm tháng tù đày, nay tôi mới có dịp trở lại cố hương, trong lòng cảm thấy bồi hồi. Không như những lần trước, tôi trở về chùa để hầu thăm ôn và quý thầy, nay ôn đã viên tịch, thầy Thích Trí Tựu tuy đã mãn án nhưng hiện vẫn còn bị quản thúc vô thời hạn ở chùa Tây Thiên, dù chẳng có án lệnh của tòa. Ngày thầy Thích Trí Tựu hết hạn tù ở trại Ba Sao, công an tỉnh Thừa Thiên - Huế mang xe ra tận miền Bắc đưa thẳng thầy về đây. Về phần quý thầy Thích Hải Tạng, Thích Hải Chánh, Thích Hải Thịnh thì nay công an mời, mốt ủy ban gọi, dằng dai dằng dói, sách nhiễu đủ điều.

     Vì nhân duyên Phật sự, tôi xa cách Linh Mụ khá lâu, tuy vậy quý thầy và chúng điệu trong chùa luôn luôn hoan hỷ tiếp đón tôi tựa bát nước đầy. Các vị ấy xem tôi như một người anh hay người em đi xa, lâu lâu trở về thăm nhà, trọn vẹn đạo tình huynh đệ.

Tháp bảy tầng soi bóng Hương giang

     Thế rồi, chỉ ít hôm sau, lực lượng công an xã Hương Long, thành phố Huế gõ cửa chùa vào kiểm tra hộ khẩu giữa đêm hôm khuya khoắt. Chính thật là họ đang tìm tôi để bắt giữ hoặc trục xuất tôi ra khỏi đất Huế. Không những chùa Linh Mụ, mà cùng lúc, các chùa Diệu Ðế, Nam Phổ đều có công an đến kiểm tra. Hai ngôi chùa này do thầy Thích Giới Hương và Thích Trí Ðạo trú trì, hai vị ấy đều là pháp huynh của tôi. Công an suy đoán rằng, có thể tôi sẽ về tá túc ở đây.

     Nhà ông cụ thân sinh tôi ở Tây Lộc, gần cửa Chánh tây, công an phường thường xuyên vào nhắc nhở, bao giờ tôi về thăm gia đình thì phải ra trụ sở công an phường báo ngay cho họ biết.

     Lực lượng công an lùng sục tôi khắp nơi, không thể nào né tránh hoài, tôi lặng lẽ khăn gói ra đi, cho dù tôi cố nán lại ở quê nhà, thì cũng chẳng tìm ra một chỗ nào khả dĩ dung thân. Với tình cảnh như vậy, quả thật chính quyền cộng sản đã dồn ép tôi vào bước đường cùng!

     Trên đường trở vào miền Nam, tôi ghé chùa Quang Phước, thị trấn Chợ Chùa, tỉnh Quảng Ngãi, để hầu thăm Hòa thượng Thích Huyền Quang đang bị quản thúc ở đây. Thị trấn Chợ Chùa nằm cách trung tâm thị xã Quảng Ngãi khoảng chừng mười cây số, đường sá gồ ghề. Thầy Hải Thịnh làm bạn đồng hành với tôi, thầy thay mặt Tăng chúng chùa Linh Mụ vào cúng dường và vấn an Hòa thượng. Chúng tôi đến thị trấn Chợ Chùa, nhác trông từ xa, ngôi chùa Quang Phước trơ trọi giữa cánh đồng xanh. Con đường độc nhất đến chùa vắng người qua lại, phía bên trái là các cơ quan nhà nước thuộc huyện Nghĩa Hành, phía bên phải là cánh đồng bát ngát. Chúng tôi băng qua vài thửa ruộng là đến cổng chùa.

     Sau sự việc bắt bớ đoàn cứu trợ đồng bào lâm cảnh lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tổ chức vào ngày 6 tháng 11 năm 1994, chính quyền cộng sản đưa Hòa thượng Thích Huyền Quang từ chùa Hội Phước đến đây để tiếp tục quản thúc. Mặc ai đó bên đường rình rập dòm ngó, tôi và thầy Hải Thịnh vẫn ung dung vào chùa đỉnh lễ vấn an ngài.

     Hòa thượng dạy chuyện với anh em tôi hết sức thân tình, chúng tôi như những đứa con ở xa trở về thăm người cha già đơn độc, được nghe những lời dạy bảo của ngài. Gian phòng ở của ngài hết sức đơn sơ, thỉnh thoảng một vài ngọn gió từ cánh đồng thổi vào cũng không làm sao dịu bớt hơi nóng từ mái tôn hắt xuống. Sau bữa cơm chay đạm bạc, thầy trò lại mang chiếu gối lên chính điện để nghỉ, vì buổi trưa nắng gắt, không thể nào ở trong phòng được. Mấy người Phật tử ở xóm chùa hàng ngày đến làm công quả, quét dọn và lo cơm nước giúp ngài; chiều tối thì ai về nhà nấy, chỉ có một thầy vừa mới được cắt cử đến ở lại với Hòa thượng.

     Ðến chiều, chúng tôi từ giã ngài ra về, trong lòng bịn rịn, muốn ở lại vài hôm để hầu chuyện với ngài, nhưng đâu có được. Hòa thượng tiễn chân chúng tôi ra tận cổng chùa rồi mới trở vào.

Trên đường về, thỉnh thoảng tôi ngoảnh lại trông quang cảnh chùa Quang Phước. Có ai ngờ rằng, đây là một nhà tù trá hình để giam giữ một vị đại lão Hòa thượng, chỉ vì ngài lãnh đạo công cuộc phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp khốc liệt suốt hai chục năm qua.

16

Cuộc đàn áp nước lũ

      Trở lại thành phố, phòng An ninh tôn giáo PA38 mời tôi đến làm việc, do tôi đã tự ý rời bỏ nơi bị quản chế đi nơi khác mà không trình báo. Trong thời gian vắng mặt, tôi đi đâu, làm gì, gặp ai, đều được viên công an tên Xuân thẩm vấn và viết vào biên bản ghi lời khai. Tuy nhiên, sự việc chưa đến lúc phải truy cứu trách nhiệm hình sự - theo lời của y - nếu có thể thì chỉ xử phạt hành chính, nghĩa là phải nộp tiền phạt. Nay xét về nhiều mặt, thì lần này tôi chỉ bị cảnh cáo.

     Tôi tạm thời về Bình Dương, công an thành phố chỉ đạo địa phương làm thủ tục cho tôi tạm trú, chịu sự quản lý của công an xã Ðông Hòa, huyện Dĩ An và phải đến trình diện hằng tháng, đúng thời hạn quy định.

     Trung tuần tháng 10 năm 1998, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đặc nhiệm vấn đề đàn áp tôn giáo trên thế giới - ông Abdelfattah Amor - đến Việt Nam để điều tra tình trạng nhà cầm quyền cộng sản đàn áp các tôn giáo, tôi dự tính sẽ đến thiền viện Thanh Minh để xem tình hình phái đoàn đến tiếp xúc với Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo như thế nào, được biết ngài cũng vừa mới ra tù và hiện đang bị quản chế.

     Thế nhưng, sáng sớm hôm ấy, tôi được thông báo phải có mặt tại cơ quan PA38 để làm việc. Tôi đoán biết chẳng có việc gì để làm, chẳng qua cơ quan an ninh muốn giữ chân tôi lại trong ngày này. Ðúng như dự đoán, các viên công an tại đây thay nhau tiếp tôi tại phòng hỏi cung phía bên phải cổng số 3, từ ngoài đi vào, họ bảo tôi chờ người phụ trách làm việc là đại úy Xuân, ông ấy có công tác đột xuất vừa mới đi vắng. Suốt cả mấy tiếng đồng hồ, những người này toàn cà kê với tôi những chuyện bâng quơ tầm phào, tôi cáo từ ra về, nhưng họ vẫn cứ bảo tôi cố nán lại chờ đợi. Nấn ná hồi lâu mãi đến hơn mười hai giờ trưa ông Xuân mới trở về.

     Tôi tỏ ý bất mãn:

     - Tại sao các ông hẹn tôi đến làm việc rồi lại bỏ đi, để tôi phải ngồi chờ ở đây từ sáng đến giờ?

     - Tôi xin lỗi, vì có việc khẩn cấp phải đi ngay, nên tôi không kịp báo và dặn lại anh em được.

     - Ông tưởng tôi không biết những việc gì đã xảy ra sáng nay. Cơ quan các ông đã cố tình giữ chân tôi ở đây nguyên cả buổi sáng, trong thời gian ông Abdelfattah Amor, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và phái đoàn đến thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.

     Biết tôi đã rõ mọi chuyện, ông Xuân nói:

     - Ðúng như vậy, phái đoàn ông Amor có đến Thanh Minh thiền viện để gặp cụ Quảng Ðộ, nhưng Phật tử ở đó đóng cửa chùa, họ nhất quyết không đồng ý cho ông ta vào thăm.

     - Ông nói với trẻ con điều đó thì được, xưa nay cửa thiền luôn luôn rộng mở, Phật tử nào mà lại dám đi đóng cổng chùa không cho khách vào thăm. Lực lượng công an của các ông mặc thường phục mạo xưng Phật tử đóng cửa chùa thì có, chứ ai dám làm điều đó.

     Khi ấy tôi mới biết, hôm nay ông Abdelfattah Amor không gặp được Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Ông Xuân hẹn tôi dịp khác sẽ mời đến làm việc, rồi tiễn tôi ra về.


     Ngày rằm tháng tư năm Tân Tỵ (Phật lịch 2545 - Dương lịch 2001), tôi đến dự Ðại lễ Phật đản tại chùa Liên Trì. Thầy Thích Không Tánh cho biết, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ dự định sẽ ra Quảng Ngãi để rước Hòa thượng Thích Huyền Quang vào Sài Gòn chữa bệnh. Ngót hai mươi năm chịu cảnh lưu đày, sức khỏe của ngài nay có phần sút giảm.

     Ðầu tháng 6 năm ấy, tôi bị canh chừng cẩn mật, công an ngoại tuyến luôn luôn theo dõi, chính quyền suy tính rằng, tôi có thể gia nhập phái đoàn ra miền Trung. Ngày 5 tháng 6 năm 2001, ông trưởng công an xã Ðông Hòa, huyện Dĩ An đích thân đến gửi giấy mời, buộc tôi phải ký nhận, ngày mai tôi phải có mặt tại Ủy ban xã vào lúc 7 giờ, theo lý do được ghi trong giấy mời: “ Báo cáo lại việc thực hiện quyết định quản chế của tòa án”.

     Ngày 6 tháng 6 năm 2001, một cán bộ an ninh thuộc cơ quan công an PA38 - tỉnh Bình Dương - làm việc với tôi. Trong phòng tôi thấy có một người khác chỉ ngồi đọc báo, theo tôi đoán, người ấy đang nghe ngóng theo dõi buổi làm việc qua những cuộc đối thoại giữa tôi với gã công an này. Sau khi yêu cầu tôi viết bản tường trình về các hoạt động trong thời gian qua, ông ấy lập biên bản buộc tôi phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định quản chế của tòa án vào năm 1995. Kể từ hôm nay, cho đến ngày 13 tháng 6 năm 2001, tôi không được tự ý ra khỏi địa bàn xã Ðông Hòa, khi chưa được chính quyền cho phép. Tình hình an ninh tiếp tục thắt chặt, công an đặt chốt canh gác tôi suốt mấy ngày đêm một cách công khai.


     Tôi tìm cách nhờ người liên lạc hỏi thăm tình hình thì được biết, hôm ấy, Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo cũng bị công an ngăn chặn, ngài không thể nào rời khỏi thiền viện Thanh Minh và vừa mới nhận thêm văn bản quyết định quản chế của chính quyền.

     Thế là đảng Cộng sản đương quyền tiếp tục mở cuộc trấn áp này sang đợt đàn áp khác. Hà Nội không từ bất cứ một thủ đoạn nào đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, dù biết làm như vậy là phi nghĩa, bất nhân, trắng trợn vi phạm nhân quyền và các Công ước quốc tế mà họ đã đặt bút ký kết.


17 

Lánh nạn tại x Chùa Tháp

     Ngày 13 tháng 2 năm 2002, theo pháp lý là đúng ngày tôi được mãn hạn năm năm quản chế. Thế là ròng rã mười năm qua, kể từ khi mắc vòng lao lý vì tham gia hoạt động phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội truyền thống, tôi chưa hề có một ngày được sống tự do.

     Nay thời gian quản chế đã mãn, tôi hy vọng chính quyền cộng sản sẽ trả lại quyền công dân; mọi sinh hoạt, đi lại, cư trú của tôi sẽ không còn bị hạn chế như trước nữa. Việc trước mắt là chính quyền sẽ có thiện chí làm thủ tục nhập lại hộ khẩu cho tôi, sau mười mấy năm bị xóa sổ. Trong cơ chế quản lý nhân hộ khẩu dưới chế độ cộng sản, đây chính là mạch sống của người dân, giải quyết được mọi vấn đề pháp lý trong sinh hoạt xã hội, vì thế mọi người thường nói đùa, hộ khẩu cũng chính là hậu khổ.

     Tôi kiên nhẫn chờ đợi chính quyền giải quyết các thủ tục pháp lý để có thể hòa nhập cộng đồng xã hội. Song đã hơn hai tháng trôi qua, quyền sống của tôi vẫn bị chà đạp, chính quyền vẫn tiếp tục quản thúc và sách nhiễu tôi mà không cho biết lý do, tôi cũng không được nhập lại hộ khẩu và vẫn phải đi trình diện đúng hạn kỳ như trước đây. Bởi thế cho nên, tôi chẳng còn sự chọn lựa nào khác, buộc lòng phải ra đi lánh nạn cộng sản để tìm tự do, cho dù phải đổi lấy mạng sống hoặc chịu cảnh tù đày đi chăng nữa!

     Thầy Thích Tâm Vân và tôi kết bạn vong niên. Chúng tôi quen nhau trong dịp đi cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt tại huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp vào trung tuần tháng 10 năm 1994. Ðợt cứu trợ này được sự hổ trợ của Viện Hóa Ðạo trong nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại, ban Từ thiện xã hội và Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp đảm nhiệm Phật sự.

     Thầy Thích Tâm Vân cũng là nạn nhân của chế độ, thường xuyên bị sách nhiễu vì thầy không chịu tham gia Giáo hội nhà nước. Trước đây, thầy là ủy viên công cán Viện Hóa Ðạo, là người có tinh thần phục hoạt Giáo hội. Sau những lần bàn thảo, thầy Tâm Vân và tôi quyết định lên đường vượt biên giới sang Campuchia lánh nạn cộng sản.

     Vào khoảng 3 giờ sáng, ngày 18 tháng 4 năm 2002, chúng tôi hẹn gặp nhau tại ngã tư Bình Phước (quốc lộ 13 đi Bình Dương và xa lộ Ðại Hàn) để đón xe xuôi miền Tây.

     Qua những vùng sông nước chằng chịt hoặc đầm lầy mênh mông, nhờ có người tận tình dẫn đường, nên chúng tôi đã đến được xứ Chùa Tháp vào ngày 19 tháng 4 năm 2002. Trông xa kia là những cánh đồng còn trơ gốc rạ; dưới ánh nắng chói chang, một đàn bò gầy ốm ung dung gặm cỏ. Thỉnh thoảng chúng tôi băng ngang qua  những hàng cây thốt nốt, hay một vài ngôi chùa giữa làng quê hẻo lánh, cờ Phật giáo quốc tế năm màu tung bay trước cổng chùa. Ðó đây một vài nhà sư khoác y vàng chậm rãi từng bước một, các vị này đi khất thực theo truyền thống của giáo phái Phật giáo Nam tông.

     Giữa chốn đất khách quê người, lạc lõng giữa phố thị, chúng tôi nơm nớp lo âu vì không có hộ chiếu nhập cảnh, lỡ không may bị công an Campuchia xét hỏi giấy tờ thì sẽ gặp chuyện rắc rối. Nghĩ vậy tôi bèn bàn thảo với thầy Tâm Vân:

     - Bạch thầy, giờ phút này đã đến lúc chúng ta hãy nên khẩn cấp như cứu lửa cháy trên đầu. Con thiển nghĩ rằng, chúng ta nên đến Tòa Ðại sứ Hoa Kỳ để xin cư trú chính trị, may ra có thể  an toàn. Nếu chần chừ, công an Việt Nam có thể tầm nã. Ở đây, mật vụ cộng sản không phải là không có.

     Nghe tôi đề nghị, thầy Tâm Vân đồng tình ngay.

     Khoảng bốn người ngồi trong vọng gác ở cổng tòa Ðại sứ Hoa Kỳ đều là người Campuchia. Qua một vài câu trao đổi bằng tiếng Anh, họ hiểu ngay chúng tôi từ Việt Nam sang đây xin tỵ nạn chính trị, bèn gọi điện thoại vào bên trong báo tin. Một lát sau, hai viên chức tòa Ðại sứ đi ra và tiếp chúng tôi tại cổng. Ðối thoại một lúc, hai bên chưa thông hiểu lẫn nhau, vì khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh của chúng tôi không được thông thạo lắm. Một viên chức sử dụng điện thoại cầm tay bấm máy gọi cho ai đó, rồi trao điện thoại cho thầy Tâm Vân và tôi nói chuyện. Bên kia có lẽ là một viên chức tòa Ðại sứ sử dụng tiếng Việt sành sỏi:

     - Xin các ông cho chúng tôi biết quý danh. Ở Việt Nam, các ông đã gặp những khó khăn gì?

     Tôi trả lời:

     - Thưa ông, chúng tôi tên là Tâm Vân và Trí Lực, đều là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp thô bạo suốt hơn hai mươi năm qua. Hai vị lãnh đạo của chúng tôi là ngài Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ hiện đang bị chính quyền quản thúc. Bản thân chúng tôi đã có những hoạt động đòi hỏi tự do tôn giáo và quyền con người, nên đã bị bắt giam và quản thúc suốt hơn mười năm nay. Chính quyền cộng sản Việt Nam hiện đang  đàn áp Giáo hội chúng tôi mỗi ngày một thêm nghiệt ngã, bởi thế, buộc lòng chúng tôi phải vượt biên giới sang đây xin tỵ nạn.

     - Tôi có biết sự việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp ở Việt Nam. Nay các ông đến đây cần chúng tôi giúp đỡ điều gì?

     - Thưa ông, chúng tôi mong muốn được tòa Ðại sứ Hoa Kỳ chấp thuận cho chúng tôi tỵ nạn chính trị và không bao giờ chúng tôi muốn bị giao trả về Việt Nam.

     - Ồ, không có điều đó đâu, làm sao mà chúng tôi có thể giao trả các ông. Thế nhưng, đất nước chúng tôi mới trải qua biến cố ngày 11 tháng 9 vừa qua, hiện giờ chưa ổn định, các ông muốn sang đất nước chúng tôi làm gì?

     - Thưa ông, chúng tôi thành thật chia sẻ nỗi đau thương mất mát của chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ. Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một cuộc khủng bố kinh hoàng chưa từng có. Thế nhưng, Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ là một đất nước luôn luôn tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền; bởi thế, chúng tôi khát khao được sống trong một đất nước tự do.

     - Cảm ơn các ông đã có lời chia buồn với chúng tôi. Nhưng tòa Ðại sứ chúng tôi không tiếp nhận người tỵ nạn. Các ông hãy thông cảm và nên đến Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để trình bày hoàn cảnh, chúng tôi hy vọng các ông sẽ được giúp đỡ.

     Cuộc trao đổi giữa chúng tôi và các viên chức tòa Ðại sứ Hoa Kỳ ở Phnom Penh trong bầu không khí hết sức chân tình và thông cảm lẫn nhau. Các vị ấy không quên ghi cho chúng tôi địa chỉ văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Chúng tôi trân trọng cảm ơn và kính chào tạm biệt.

     Ðã gần 4 giờ chiều, chúng tôi tìm được phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, tọa lạc tại số 2, đường 352, thủ đô Phnom Penh. Hôm ấy, nhằm ngày thứ sáu cuối tuần, giờ này văn phòng đã nghỉ làm việc, nên các nhân viên bảo vệ dặn chúng tôi sang ngày thứ hai tuần tới hãy trở lại.

     Tôi đi tìm trạm điện thoại công cộng liên lạc với thầy Thích Vân Ðàm ở Hoa Kỳ là pháp hữu của tôi và ông Võ Văn Ái ở Pháp để báo tin, đồng thời nhờ các vị ấy vận động can thiệp.

     Nhờ hỏi thăm một người qua đường, chúng tôi mướn được một chỗ trọ rẻ tiền, không có phòng mà chỉ ngủ nghỉ ở gác gỗ bên hàng hiên.

     Thứ hai ngày 22 tháng 4 năm 2002, chúng tôi trở lại phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc để nộp hồ sơ xin tỵ nạn và được ông Mony tiếp nhận. Mấy ngày sau,theo giấy hẹn đến phỏng vấn, vì không có thông dịch viên nên ông ấy cứ lần lữa hẹn rày hẹn mai; tuy nóng lòng nhưng chúng tôi cũng đành phải kiên nhẫn đợi chờ. Sở dĩ trễ nải như thế, vì hiện đang vào thời kỳ Liên Hiệp Quốc tập trung phỏng vấn khoảng một nghìn người Thượng Tây Nguyên tại trại tỵ nạn Phnom Penh; số người này bị chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp trong các cuộc biểu tình đòi hỏi tự do tôn giáo và đòi lại đất đai của họ bị chiếm đoạt, sự biến xảy ra vào đầu năm 2001.

     Trong thời gian chờ đợi phỏng vấn, một vị thầy trú trì ngôi chùa vùng Xóm Mới, ngoại ô thành phố Phnom Penh, đã hoan hỷ cho thầy Tâm Vân và tôi ẩn thân. Nhưng có lẽ do bị chỉ điểm, công an Campuchia bèn vào chùa xét hỏi, bởi thế, chúng tôi đành phải rời khỏi ngôi chùa này. Sau đó, nhờ gặp được vài người tốt bụng thuộc Phật giáo Hòa Hảo, họ đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi nơi ăn chốn ở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét