3
Ngày hội ngộ
và những hệ lụy của nhà sư
Ðã mấy mùa đông tàn xuân đến, mà tin nhạn vẫn chẳng thấy hồi âm. Bởi vậy, Hội đồng Viện Hóa Ðạo công cử Hòa thượng Thích Mật Nguyện - trú trì chùa Linh Quang, Huế - giữ chức vụ quyền Chánh đại diện miền Vạn Hạnh, thay thế vào chức vị của ôn lúc bấy giờ. Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Trí Lưu đảm nhiệm trú trì ngôi quốc tự, tiếp tục chăm lo Phật sự và Tăng chúng trong chùa.
Thế rồi một ngày kia, mọi
người nghe được giọng nói ôn Linh Mụ trên sóng phát thanh của đài tiếng nói Hà
Nội ở miền Bắc, tin mừng ôn vẫn còn sống lan nhanh. Thế mới biết rằng, cộng sản
Bắc Việt đã lừa dối ôn một cách trắng trợn, khi họ đến mời ôn đi họp ở địa điểm
cách chùa Linh Mụ non chừng nửa cây số. Thế nhưng, chính thật ra, chúng đã đưa
ôn trải qua những chặng đường Trường Sơn, trèo đèo lội suối, vượt thác băng
ngàn, trên bom dưới đạn, cuối cùng ôn cũng đặt chân đến tận đất Bắc một cách
bình yên, làm thỏa mãn ý đồ chính trị của Hà Nội. Cộng sản Bắc Việt đã lợi dụng
uy tín lãnh đạo của ôn, gần tám chục phần trăm dân chúng miền Nam theo đạo
Phật, sự có mặt của ôn ở miền Bắc, khả dĩ tạo được lợi thế trong mưu đồ chính
trị của Hà Nội, với chiêu bài giải phóng miền Nam Việt Nam.
Trong vở tuồng trên sân khấu
chính trị, chức vụ này hay vai vế nọ mà chính quyền cộng sản Bắc Việt gán ép
cho ôn - một vị sư mà thâm tâm của ngài chỉ thuần túy chăm lo đạo pháp - bởi
trong vòng kiềm tỏa của họ, ở vào hoàn cảnh thời bấy giờ, nên ôn không thể
không nhận lời.
Tháng tư đen năm 1975, quân
cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, chế độ Sài Gòn sụp đổ. Mấy tháng
sau, ôn Linh Mụ từ miền Bắc trở lại mái chùa xưa, ròng rã hơn bảy năm trường
biền biệt. Chính quyền cắt đặt thêm hai người ở kế cận ôn, ông Ðông làm công an
và ông Phạm Văn Ðể làm y sĩ. Tuy bề ngoài họ có nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức
khỏe cho ôn, song kỳ thật hai người này đảm nhận vai trò giám sát mọi sinh hoạt
của ôn một cách hết sức chặt chẽ.
Gặp lại bậc thầy đức độ khả
kính sau bao năm xa cách, ai nấy đều mừng mừng tủi tủi. Cỏ cây hoa lá dường như
cũng tươi tốt hơn lên, những cây vả trong vườn chùa thi nhau đơm trái sum sê
đầy gốc, hình như tất cả đều lấy lại được sức sống từ buổi ôn về.
Năm 1976, chính quyền cộng
sản Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV, lại thêm một biến cố nữa
trong đời, khi ôn bị ép buộc phải ra ứng cử. Ngày còn ở Hà Nội, ôn đã từng nói
với các nhà lãnh đạo ở đây rằng, khi nước nhà độc lập thống nhất, thì ôn sẽ trở
về cương vị cũ của mình là một nhà tu thuần túy, chỉ lo gánh vác mỗi một việc
đạo, chứ không màng đến chuyện đời. Thế mà hôm nay, chính quyền tỉnh Bình Trị
Thiên nhiều lần đến chùa vận động ôn ra ứng cử, ôn viện dẫn nhiều lý do để chối
từ. Cuối cùng họ nói đây là lệnh của trung ương, ôn không nên thoái thác.
Nhiều lúc ôn nói nửa đùa nửa
thật, rằng giá như bây giờ mình chết đuợc thì khỏe biết ngần nào. Sự lòng biết
tỏ cùng ai, nhiều đêm ôn trằn trọc thâu canh, nỗi khổ tâm đè nặng lên người.
Nhưng rồi suy đi tính lại, chẳng còn cách nào khác, ôn miễn cưỡng ra ứng cử,
mặc cho thế sự xoay vần.
Kết quả ôn trúng cử đại biểu
Quốc hội khóa IV, thuộc đơn vị bầu cử tỉnh Bình Trị Thiên, với tỷ số phiếu bầu
thấp nhất, kém xa số phiếu của một đại biểu người dân tộc thiểu số. Thật quá
mỉa mai! Lẽ nào cử tri xứ Huế mà phần đông là Phật tử lại đánh mất niềm tin đối
với một vị thầy lãnh đạo tinh thần có đủ uy tín như ôn!?
4
Vị pháp vong thân
Năm 1978, khi hay tin Thượng
tọa Thích Thiện Minh
bị bức tử trong nhà tù X4, đuờng Nguyễn Trãi, Sài Gòn, ôn Linh Mụ bàng hoàng
xúc động, cơn hen suyễn bột phát, ho suốt đêm ngày. Cách đây không lâu, ôn nhận
đuợc bức thư vấn an và tâm sự của thầy Thích Thiện Minh từ Sài Gòn gửi ra, thầy
cho ôn biết rằng, tình hình Giáo hội đang đứng trước thử thách lớn lao và vô
cùng căng thẳng. Nay lại nghe tin thầy bị tra tấn đến chết trong lao tù cộng
sản, thi thể hiện được quàng tại trại giam Hàm Tân, tỉnh Phan Thiết.
Hôm ấy, vào một buổi sớm mai
đầy sương thu và gió bấc, sau giờ công phu khuya, tôi vào liêu để dọn dẹp và
pha trà hầu ôn như thường lệ. Ôn bảo tôi hãy đọc lại bức thư của thầy Thích
Thiện Minh mà ôn vừa mới nhận được tuần trước. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi bài
thơ Đăng U châu đài ca của Trần Tử Ngang mà thầy Thích Thiện Minh ghi lại trong
bức thư ấy, nỗi lòng của người xưa chẳng khác nào tâm sự của thầy lúc bấy giờ:
Tiền bất kiến cổ nhân,
Hậu bất tri lai giả.
Niệm thiên địa chi du du,
Độc sảng nhiên nhi thế há!
Tạm
dịch:
Trông
về trước, người xưa chẳng thấy,
Ngoảnh lại
sau, đâu biết người sau.
Ngẫm hay trời đất dài lâu,
Mình ta tuôn chảy lệ sầu chứa chan!
Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng
Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - được chính quyền thông báo
và bằng lòng cho ngài đến thăm. Hòa thượng yêu cầu được đem nhục thân Thượng
tọa Thích Thiện Minh về Sài Gòn an táng, nhưng chính quyền nhất mực chối từ.
Trước biến cố đau thương đó, sau khi suy
tính kỹ lưỡng, ôn quyết định gửi đơn từ chức đại biểu Quốc hội, nhằm tỏ thái độ
cực lực phản đối đảng Cộng sản đương quyền. Ôn cáo buộc chính quyền cộng sản
phải chịu trách nhiệm về cái chết của Thượng tọa Thích Thiện Minh
và yêu cầu đưa vụ án ra ánh sáng. Thêm nữa, hãy còn bao nhiêu chư tôn giáo phẩm
và tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang bị cầm tù hay bị
quản thúc, nếu nhà nước xét thấy họ có tội thì cứ việc đưa ra xét xử công khai,
bằng không hãy tức khắc trả tự do vô điều kiện cho những vị này. Ôn còn đòi hỏi
chính quyền cộng sản phải trả lại tất cả những tài sản của Giáo hội đã bị tịch
thu, chiếm dụng, trong đó có các cơ sở giáo dục, xã hội, y tế… Ôn tuyên bố, nếu
ngày nào chính quyền giải quyết thỏa đáng những yêu cầu này, thì ngày ấy ôn sẽ
rút đơn từ chức. Kể từ nay, ôn tuyệt giao mọi vấn đề liên quan đến nhà nước.
Bấy giờ, Hòa thượng Thích Mật Hiển tại Tổ đình Trúc Lâm hết sức đồng tình quan
điểm của ôn, thỉnh thoảng hai vị gặp nhau, hàn huyên tâm đắc.
Về phía đảng và nhà nước, nhiều lần chính
quyền cử người đến chùa Linh Mụ để đàm phán, họ khuyên ôn rút lại đơn từ chức
đại biểu Quốc hội. Chính quyền viện lẽ rằng, đất nước đang lâm cảnh chiến tranh
biên giới Tây Nam chống lại Pol Pot tại Cam Bốt; Trung Quốc đã xua quân gây
chiến tranh và đang chiếm đóng các tỉnh biên giới phía Bắc. Nay sự việc từ chức
và những yêu sách của Hòa thượng chỉ làm cho tình hình đất nước đã bất ổn lại
càng thêm xáo trộn.
Với bản tính
cương nghị, ôn Linh Mụ vẫn giữ vững lập trường và sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả
có thể đưa đến.
5
Sự đàn áp bởi bạo quyền
cộng sản
Vào một buổi chiều thu, mưa bay lất phất, tôi theo ôn bách bộ hướng
ra tháp Phước Duyên. Bốn hàng tùng trước chùa thẳng tắp vút ngọn, từng lớp rêu
phong phủ lấp tường thành. Trông xuống dòng Hương lặng tờ, đó đây vài ba ngư
phủ thả câu. Bên kia sông là làng Nguyệt Biều có những cánh đồng còn xanh lúa
mạ, cạnh bờ là những hàng bắp đã trổ cờ phất phơ trước gió hắt hiu. Xa xa, dãy
Trường Sơn trùng điệp in bóng mờ trên bầu trời thảm đạm.
Trời Thu Ảm Đạm Một Màu |
Khoảng chừng mươi phút, người khách hớn hở
từ giã ra về. Bất chợt có hai người mặc thường phục đi đến, tôi đoán chừng họ
là công an, vì hằng ngày tôi thấy họ thường lảng vảng quanh chùa. Hai người ấy
chận người khách lại và hình như họ đòi lục soát túi xách để tịch thu cuốn băng
ghi âm cuộc nói chuyện với ôn ban nãy.
Tôi theo gót ôn trở vào chùa và chẳng biết
chuyện gì đã xảy ra. Tối đến, ôn thong thả thuật lại cho tôi nghe đầu đuôi sự
việc về cuộc gặp gỡ người khách lạ ban chiều.
Người ấy là một phóng viên nước ngoài, tìm
gặp ôn để hỏi về tình hình chính quyền cộng sản đang gia tăng đàn áp tôn giáo
tại Việt Nam. Sau cái chết đầy thương tâm và bí ẩn của
Thượng tọa Thích Thiện Minh trong ngục tù cộng sản, dẫn đến việc ôn gửi đơn từ
chức, do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lên tiếng báo động dư luận quốc
tế, nên các tổ chức bảo vệ nhân quyền hết sức quan tâm về việc chính quyền cộng
sản đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Hàng Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị trấn áp thô bạo, có vị thì bị cầm tù, có người
bị quản thúc, sách nhiễu; một số khác không còn sự lựa chọn nào khác, nên đành
lòng vượt biển đi tìm tự do. Chẳng qua các vị ấy bất đồng quan điểm, bị ép buộc
phải gia nhập Giáo hội mới mà nhà nước sẽ dựng lên nay mai, xem như một hội
đoàn thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nhằm làm công cụ tuyên truyền chính trị
cho đảng Cộng sản.
Ôn trao đổi rất nhiều với phóng viên một
cách thẳng thắn và luôn luôn giữ vững quan điểm của mình, quyết tâm bảo vệ Giáo
hội truyền thống để không bị lung lạc.
Sông Hương Núi Ngự Đất Kinh Thành |
Từng trải bao năm sống trong lòng chế độ
cộng sản miền Bắc, có lẽ ôn rút được nhiều kinh nghiệm nên suy nghĩ rằng, sau
sự việc ấy không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho bản thân. Ôn bảo, phỏng có mệnh
hệ gì thì ôn cũng sẵn sàng đón nhận, chẳng có việc gì phải nao núng trong lòng.
Khoảng một tuần sau, ôn gọi bốn anh em
chúng tôi vào liêu để dạy chuyện. Bấy giờ ôn đang lên cơn suyễn nặng, bởi thời
tiết xứ Huế thay đổi bất thường. Mấy hôm nay mưa gió bão bùng, cỏ cây xơ xác,
trời lạnh buốt thấu xương. Trong tiếng thở khò khè, thỉnh thoảng lại ngắt quãng
bởi cơn gió lùa qua khe cửa, ôn ân cần tha thiết dặn dò chúng tôi như trăn
trối, từ công việc chùa chiền, đến bổn phận và trách nhiệm đối với Giáo hội
truyền thống. Ôn trình bày rành mạch, thứ lớp rõ ràng. Sau cùng, ôn biếu chúng
tôi một món quà kỷ niệm. Chúng tôi lễ tạ, ôn lại gỉải thích ý nghĩa món quà và
khuyên bảo chúng tôi. Mãi đến hôm nay, những lời dạy ấy tuồng như vẫn còn khắc
sâu vào ký ức của tôi, không bao giờ có thể phai nhòa. Viết đến đây, tôi không
sao cầm được nước mắt và nén nỗi xúc động trong lòng.
Giờ này, từ phương xa hướng về cố hương,
con thành tâm vọng bái kính lễ Giác linh ôn, cúi đầu cảm niệm ân đức cao dày
của các bậc thầy giáo thọ, liệt vị cao Tăng quá khứ, chư vị tôn đức hiện tiền
đã từ bi hun đúc pháp thân tuệ mạng cho con. Ngưỡng nguyện quý ngài lân mẫn tha
thứ cho kẻ học trò bất tiếu này.
6
Nhà sư viên tịch
Tháng ba Âm lịch năm Nhâm
Thân (1992), tiết trời xứ Huế bắt đầu nóng nực báo hiệu sắp ngả sang hè, tiếng
ve sầu rộn rã từng hồi như xé tan bầu không khí tịch liêu. Mấy cây phượng trên
bến sông nay đã nở một vài chùm hoa đỏ thắm, bảy tầng bảo tháp Phước Duyên sừng
sững soi bóng xuống Hương giang như vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Thấm thoát mấy
năm rồi, từ ngày ôn lâm bệnh nặng sau cơn tai biến mạch máu não. Nhờ sự tận
tình cứu chữa của các bác sĩ và y sĩ ở bệnh viện Trung ương Huế, nên đã giành
lại sự sống cho ôn.
Nay bệnh tình của ôn tái phát
trầm trọng, hay tin ấy, Tăng tín đồ các nơi vân tập về chùa Linh Mụ để hầu thăm
ôn, thể hiện trọn vẹn nghĩa tình sư đệ.
Nào ngờ! Vầng trăng vằng vặc
giữa bầu trời cố đô bỗng dưng lặn xuống dòng Hương, mây mù vần vũ bất chợt
giăng phủ trên đỉnh Ngự! Tăng Ni và Phật tử khắp nơi quá đỗi bàng hoàng khi hay
tin trưởng lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu viên tịch. Một vì sao đã khuất vào ngày
21 tháng 3 năm Nhâm Thân (Dương lịch ngày 23 tháng 4 năm 1992), ôn thuận theo
thế gian mà không ra khỏi định luật vô thường.
Danh sách ban Lễ tang do nhà
nước áp đặt, phần nhiều là đảng viên đảng Cộng sản thuộc ban Tôn giáo chính phủ
và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ðiều này chứng tỏ rằng, đảng
Cộng sản đương quyền đã xen vào nội bộ Phật giáo một cách trắng trợn, nhằm thể
hiện mưu đồ biến tang lễ cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu – Chánh thư ký kiêm xử lý
Viện Tăng Thống, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - thành một tang lễ
nhuốm màu sắc chính trị, để tuyên truyền cho chế độ cộng sản. Sự việc ấy hoàn
toàn đi ngược lại tâm nguyện của người khuất bóng.
Trăng lặn xuống dòng Hương |
Chính quyền vin vào lý do trước
đây ôn có tham gia các chức vụ trong guồng máy nhà nước, vừa là đại biểu Quốc
hội. Về phía tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước cộng sản dựng
lên năm 1981 đã tự ý áp đặt ôn vào chức vị phó Pháp chủ kiêm Giám luật. Họ cố
tình quên bẵng, ôn có gửi cho Giáo hội này hai bức thư từ nhiệm
và chưa một lần nào ôn đặt chân đến tham dự các kỳ họp cũng như đại hội của
Giáo hội này.
Thêm nữa, chính quyền cộng
sản Việt Nam vẫn cứ lập lờ đánh lận con đen. Còn nhớ chăng, sau khi Thượng tọa
Thích Thiện Minh bị bức tử trong trại giam X4 đường Nguyễn Trãi, Sài Gòn, khiến
ôn đã gửi đơn từ chức đại biểu Quốc hội để tỏ thái độ phản đối.
Ðại diện môn đồ pháp quyến
chúng tôi - Hòa thượng Thích Nhật Liên, quý thầy Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng
- trong phiên họp đầu tiên với các viên chức chính phủ để tổ chức tang lễ, các
vị ấy đã phản bác sự việc nhà nước áp đặt nhân sự ban Lễ tang. Không khí buổi
họp có phần gay cấn, nhưng kết cục hai bên cũng đã đi đến thỏa thuận một giải
pháp dung hòa, khả dĩ tiến hành tang sự.
Suốt thời gian cử hành tang
lễ cố Hòa thượng trụ trì quốc tự Linh Mụ, người dân xứ Huế và các tỉnh thành
phụ cận đủ mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo hay thành phần xã hội, ai nấy
đều sôi sục tâm can, sẵn sàng đương đầu với nhà cầm quyền cộng sản để đòi hỏi
quyền con người và các quyền tự do dân chủ. Mười bảy năm kể từ khi cưỡng chiếm
miền Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên đảng Cộng sản Việt Nam mới đối mặt với một
tinh thần bất khuất và ý chí quật cường của muôn người như một. Lịch sử quá khứ
cho thấy, các cuộc đấu tranh chống bạo quyền phần nhiều được nhen nhúm từ đất
Thần kinh. Nhóm lãnh đạo Hà Nội cũng đã lo toan trước, biết đâu mọi chuyện đều
có thể xảy ra.
Theo nguồn tin chính xác đuợc tiết lộ từ
một Phật tử thuần thành, người này nằm trong lực lượng an ninh chỉ vì miếng cơm
manh áo, rằng có rất nhiều công an mặc thường phục hoặc trang phục Gia đình
Phật tử, chúng trà trộn vào các đoàn thể đến làm lễ phúng điếu, thọ tang để
quay phim chụp hình, đồng thời thu lượm tin tức và dư luận quần chúng.
Thêm nữa, cũng theo nguồn tin này, các lực
lượng vũ trang từ những tỉnh thành phía bắc được lệnh di chuyển vào Huế, từ Ðà
Nẵng được tăng cường ra. Cư dân vùng Kim Long còn cho chúng tôi biết, ở đây,
những cuộn dây kẽm gai, chướng ngại vật và chó nghiệp vụ của các lực lượng này
cũng đã được bố trí sẵn bên đường. Mọi việc đều được chính quyền cộng sản chuẩn
bị đâu vào đó, nhằm mục đích sẵn sàng trấn áp khốc liệt cuộc biểu tình đòi dân
chủ phát xuất từ chùa Linh Mụ, là nơi đang quy tụ đông đảo quần chúng đến dự
đám tang.
Hẳn mọi người còn nhớ, chính
quyền cộng sản Trung Quốc đã từng đàn áp dã man hàng nghìn sinh viên xuống
đường biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh. Biết
bao sinh viên vô tội đã gục ngã trước họng súng của chế độ cộng sản bạo tàn.
Nay đến lượt Hà Nội sẽ học lại bài học cũ mèm của quan thầy Bắc Kinh vào năm
1989, nếu xảy ra cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ của các tầng lớp đồng bào.
Trên con đường Kim Long độc
nhất dọc tả ngạn sông Hương bị các lực lượng này kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy
vậy, hàng nghìn đồng bào Phật tử ở các tỉnh thành lân cận, các miền duyên hải
hay vùng quê xa xôi bất chấp sự phong tỏa, họ tìm đủ mọi cách để đến chùa, dòng
người nườm nượp, họ ở lại đêm nay để ngày mai tiễn đưa kim quan cố Hòa thượng
nhập bảo tháp.
7
Cuộc tuyệt thực và lễ
trao chúc thư
Hai sự kiện xảy ra cùng một
ngày đáng ghi nhớ - ngày 2 tháng 5 năm 1992 - đó là cuộc tuyệt thực của môn đồ
pháp quyến và lễ trao chúc thư cho Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Hôm trước, ban Lễ tang có
buổi họp để bàn thảo chương trình lễ thỉnh kim quan nhập tháp vào ngày 3 tháng
5 năm 1992, chính quyền cộng sản chỉ đạo ông Nguyễn Hữu Thọ - đứng đầu ban Lễ
tang - sẽ đọc bài điếu văn và gắn huy chương. Thế nhưng, theo di huấn
của cố Hòa thượng tân viên tịch, môn đồ pháp quyến và tứ chúng đệ tử phải tổ
chức tang lễ thuần túy Phật giáo, đơn giản các lễ nghi và nhất là không được
phô trương hoặc tuyên dương công trạng…
Biết được âm mưu và thủ đoạn
đen tối của chính quyền cộng sản, chúng sẽ nhuộm đỏ cuộc đời của một bậc cao
Tăng đức độ, để cho mọi người cũng như các thế hệ sau này lầm tưởng rằng, ôn
Linh Mụ theo gót cộng sản từ tuổi thanh xuân dưới thời kỳ Việt Minh, tiếp đến
biến cố mùa xuân năm Mậu Thân (1968), cho đến giai đoạn sau khi miền Nam rơi
vào tay cộng sản năm 1975. Bởi thế cho nên, đã đến lúc phải vạch trần bộ mặt
giả nhân giả nghĩa của tập đoàn toàn trị Hà Nội, không dễ gì để bị chúng đánh
lừa, chúng tôi đồng lòng siết chặt tay nhau, kiên quyết phản đối quyết định của
ban Tang lễ. Thượng tọa Thích Trí Tựu tuyên bố sẽ đem thân làm ngọn đuốc soi
đuờng, vị pháp thiêu thân, nếu như chính quyền cộng sản không chấp hành di
huấn.
Tờ mờ sáng hôm ấy, hàng chục
Tăng Ni môn đồ đệ tử của cố Hòa thượng tân viên tịch cùng ngồi thầm lặng bên
kim quan, mở đầu cuộc tuyệt thực
trong tinh thần ôn hòa. Bên ngoài, hàng nghìn Phật tử đứng trang nghiêm yên
lặng bày tỏ sự đồng tình. Tôi có ghi vài tấm bảng nhỏ: “Chúng tôi tuyệt thực để yêu cầu nhà nước CHXHCNVN hãy tôn trọng di
huấn của thầy chúng tôi - 2.5.1992”.
Tại thủ đô Ba-Lê nước Pháp,
Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam thuộc cơ sở Quê Mẹ, ông Võ Văn Ái trong
cương vị Chủ tịch ráo riết vận động suốt ba ngày đêm, ngõ hầu cứu nguy Phật
giáo. Khi nhận được điện báo khẩn thiết của Tăng tín đồ Phật giáo từ Việt Nam
kêu cứu, ông Võ Văn Ái tức khắc gửi khẩn điện cho Võ Văn Kiệt, hiện là Thủ
tướng chính phủ, yêu cầu chấm dứt việc sắp đặt Nguyễn Hữu Thọ đọc điếu văn
tuyên dương công trạng cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, trái với di huấn của ngài.
Môn đồ pháp quyến tuyệt thực ngày 2.5.1992 |
Cuộc vận động cứu nguy Phật
giáo đã mang lại kết quả như mong đợi. Ðến chiều tối, cuộc tuyệt thực tạm ngưng
bằng sự đàm phán của chính quyền với đại diện môn đồ. Ban Lễ tang cam kết hủy
bỏ chương trình tuyên đọc điếu văn và gắn huy chương như dự định. Thay vào đó,
ông Nguyễn Hữu Thọ chỉ nói vắn tắt vài lời vĩnh biệt cố Hòa thượng.
Sự kiện thứ hai là buổi lễ
trao chúc thư cho Hòa thượng Thích Huyền Quang, sau lễ phúng viếng của phái
đoàn Viện Hóa Ðạo.
Hòa thượng Thích Huyền Quang bị chính quyền
cộng sản đưa đi quản thúc tại chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi từ năm 1982. Ngài
đã phải trải qua một thời gian tuyệt thực để phản đối công an tỉnh Quảng Ngãi
ngăn cấm ngài đi Huế tham dự tang lễ cố Hòa thượng chùa Linh Mụ. Trước ý chí
cương quyết của ngài, rốt cuộc chính quyền đành phải ưng thuận. Sự có mặt của
Hòa thượng Thích Huyền Quang tại chùa Linh Mụ suốt thời gian tang lễ, đã làm
cho môn đồ pháp quyến và Tãng Ni Phật tử vô cùng hân hoan. Mọi người lấy làm
mãn nguyện khi được diện kiến đỉnh lễ vấn an ngài.
Thật quá mỉa mai, ban tổ chức
tang lễ trong đó có một số vị thuộc Giáo hội nhà nước không chịu sắp xếp ngày
giờ phúng điếu cho Hòa thượng Thích Huyền Quang, dù ngài có đề nghị nhiều lần.
Tại sao những phái đoàn của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, tôn giáo bạn
v.v…lại được ban tổ chức đón tiếp trọng thể, được sắp xếp giờ giấc phúng viếng
thọ tang một cách đàng hoàng. Trên loa phóng thanh, xướng ngôn viên đon đả giới
thiệu, đón chào; lại còn trân trọng kính mời đại diện phái đoàn ghi vào sổ tang
lưu niệm. Thế còn Hòa thượng Thích Huyền Quang là ai? Tại sao chính quyền cộng
sản và Giáo hội công cụ do chúng dựng lên lại cố tình ngăn cản ngài làm lễ
phúng điếu cố Hòa thượng tân viên tịch? Phải chăng họ xem ngài như cái gai
trước mắt, nên dị ứng mà có thái độ phân biệt đối xử với ngài. Cách hành xử như
thế, Hòa thượng Thích Huyền Quang cho là bất hợp lý, nên ngài tự quyết định làm
lễ, bất chấp ban tổ chức.
Vào khoảng 3 giờ chiều, ngày 2 tháng 5 năm
1992, hàng môn đồ pháp quyến chúng tôi đang tuyệt thực, được tin Hòa thượng
Thích Huyền Quang và phái đoàn Viện Hóa Ðạo sắp quang lâm, mọi người rời chỗ
ngồi, theo chân Hòa thượng Thích Nhật Liên đến quỳ trước Linh đài, tất cả hướng
ra ngoài chờ đợi giờ phút trang trọng. Hàng hàng lớp lớp Tăng Ni và Phật tử
thành kính chắp tay hướng về chư tôn Giáo phẩm, lòng nô nức đón chờ. Mỗi một
người là một trật tự viên, tự trang nghiêm chính mình.
Chúng tôi không làm sao điều
khiển để sắp xếp hàng ngũ và giới thiệu chương trình, bởi vì hệ thống âm thanh
khuếch đại hoàn toàn bị tê liệt, do ai đó cố tình cúp điện. Chẳng thấy một bóng
dáng nào thuộc thành phần ban tổ chức tang lễ để nhờ giúp đỡ can thiệp với nhà
đèn đóng nối mạch điện, hầu như các vị ấy lảng tránh.
Phái đoàn niêm hương cúng
dường và đỉnh lễ Giác linh trưởng lão Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Chánh Thư ký
kiêm xử lý Viện Tãng Thống. Kế đến Hòa thượng Thích Huyền Quang, quyền Viện
trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, với giọng tha
thiết trầm hùng, ngài ôn lại lịch sử Phật giáo và khẳng định pháp lý của Giáo
hội truyền thống, xứng đáng kế thừa công lao xây dựng của lịch đại Tổ sư.
Hòa thượng nói rõ hiện tình
của Giáo hội từ năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đặt Giáo hội truyền thống ra
ngoài vòng pháp luật và đang tâm đàn áp một cách thô bạo. Hà Nội lại dựng lên
Giáo hội Phật giáo Việt Nam để làm công cụ tuyên truyền chính trị cho đảng Cộng
sản.
Ðây là tiếng nói bất khuất sau mười bảy năm trời, thay lời cho hàng triệu Tăng tín đồ Phật giáo ở trong và ngoài nước,
nhằm đòi hỏi tự do, dân chủ và quyền con người. Trước Linh đài cố Hòa thượng
tân viên tịch, Hòa thượng Thích Huyền Quang tuyên bố, rằng ngài sẽ tiếp tục
điều hành Phật sự Giáo hội sau những tháng ngày dài bị đình đốn.
Sau khi Hòa thượng quyền Viện
trưởng Viện Hóa Ðạo trang trọng tác bạch trước Linh đài, Hòa thượng Thích Nhật
Liên thay lời toàn thể môn đồ pháp quyến và Tăng Ni Phật tử bày tỏ niềm biết ơn
sâu sắc đến chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện. Kế tiếp, Ðại đức Thích Hải
Tạng quỳ gối tác bạch và dâng lên bức chúc thư
của Hòa thượng Bổn sư để lại trước lúc viên tịch và ấn dấu Lưỡng Viện.
Nội dung bức chúc thư có đoạn
ủy nhiệm cho Hòa thượng Thích Huyền Quang tiếp tục điều hành mọi Phật sự Giáo
hội, cho đến khi nào tổ chức được đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất kỳ VIII.
Năm 1977, đại hội Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất kỳ VII công cử Hòa thượng Thích Ðôn Hậu đảm nhiệm
chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng Thống. Hai năm sau, 1979, Ðức đệ nhị Tăng Thống
là Ðại lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên viên tịch tại Tổ đình Thuyền Tôn, cố đô
Huế. Chiếu theo Hiến chương Giáo hội, Hòa thượng Chánh Thư ký kiêm nhiệm xử lý
Viện Tăng Thống.
Sau cái chết đầy thương tâm
và bí ẩn của Thượng tọa Thích Thiện Minh trong ngục tù cộng sản, tập đoàn toàn
trị Hà Nội chủ trương chính sách đàn áp thô bạo các hàng Giáo phẩm kiên trinh
với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Năm 1982, Hòa thượng Thích Huyền
Quang - đương kim Phó Viện trưởng Viện Hóa Ðạo - bị đưa về quản thúc tại chùa
Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi (miền Trung Việt Nam). Ðồng thời, Hòa thượng Thích
Quảng Ðộ - đương nhiệm Tổng Thư ký Viện Hóa Ðạo - bị lưu đày quản thúc tại một
ngôi chùa ở quê nhà thuộc xã Vũ Ðoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (miền Bắc
Việt Nam). Sau khi Hòa thượng Viện trưởng Viện Hóa Ðạo Thích Trí Thủ viên tịch,
ấn dấu bản Viện được chuyển giao Viện Tăng Thống cất giữ.
Mãi đến hôm nay, trong khung
cảnh trang nghiêm đượm tình đạo vị, hàng nghìn người con Phật dường như cùng
một nhịp đập của con tim. Tất cả đều hướng về Linh đài, nơi tôn trí kim quan cố
Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, mọi người chứng kiến giây phút lịch sử, Hòa thượng
Thích Nhật Liên trân trọng trao chúc thư và ấn dấu Lưỡng Viện, Hòa thượng Thích
Huyền Quang khâm thừa di chúc thiêng liêng trong niềm xúc cảm. Thay mặt Hội
đồng Viện Hóa Ðạo, ngài ban đạo từ và chân thành cảm ơn môn đồ pháp quyến. Hai
chúng xuất gia và tại gia cung kính tiễn đưa chư tôn đức trở về phương trượng
trong niềm hân hoan chưa từng có.
Lễ thỉnh kim quan nhập bảo tháp |
Ngày 3 tháng 5 năm 1992, lễ cung thỉnh kim
quan cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu nhập bảo tháp. Như đã thương lượng để môn đồ
pháp quyến tạm ngưng cuộc tuyệt thực ngày hôm qua, ông Nguyễn Hữu Thọ chỉ nói
vài lời vĩnh biệt cố Hòa thượng. Sau đó, Thượng tọa Thích Thiện Hạnh thay mặt
ban tổ chức đọc lời cảm tạ.
Bảo tháp Hòa thượng Thích Đôn Hậu
Thế là cảnh dầu sôi lửa bỏng
suốt cả tuần nay dường như nguội dần, ai nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét