Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

HỒI KÝ BAO NỖI TANG THƯƠNG CỦA TÂM NGUYÊN TRÍ LỰC - KỲ 3

Thùa Thiên Mụ
8
 
Phục hoạt Giáo hội

     Hòa thượng Thích Huyền Quang lưu trú thêm vài hôm nữa rồi mới trở vào chùa Hội Phước, tỉnh Quảng Ngãi. Ít lâu sau, Hòa thượng Thích Nhật Liên bảo tôi vào Quảng Ngãi để phụ giúp Hòa thượng Thích Huyền Quang làm thư cảm tạ.


     Tôi đến nơi vào khoảng 4 giờ chiều. Ðây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến chùa Hội Phước là nơi Hòa thượng bị quản thúc đã hơn mười năm qua. Ngôi chùa tọa lạc giữa khu đông dân cư, cách quốc lộ khoảng chừng một trăm mét. Tôi thấy dân chúng họp chợ ngay trước cổng chùa, đây là chốn tôn nghiêm, thế nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương lại để yên như vậy?
 Phòng của Hòa thượng tọa lạc phía bên trái từ ngoài đi vào, trước phòng là ngôi tháp Tổ. Ngài không có thị giả, sinh hoạt hàng ngày phải tự mình lo lấy.

     Tôi trình bản thảo thư cảm tạ để Hòa thượng xem lại và sửa vài ba ý. Tôi dự định sẽ ở lại đây đánh máy xong xuôi rồi trình Hòa thượng ký tên và đóng dấu luôn thể. Nhưng ngài cho biết, đêm nay tôi không thể nào ở lại chùa Hội Phước, bởi vì chính quyền địa phương ra lệnh cho thầy trú trì phải đến trình báo đăng ký tạm trú cho khách. Ðể khỏi phiền hà, tôi đành đón xe trở ra Ðà Nẵng, cách Quảng Ngãi chừng một trăm rưỡi cây số, mặc dầu trời đã nhá nhem tối.

     Ra đến Ðà Nẵng giữa đêm hôm khuya khoắt, tôi xin tá túc tại chùa Quang Minh ở Hòa Mỹ. Tại đây, sau khi đánh máy hoàn tất, tôi mang thư cảm tạ trở vào lại Quảng Ngãi để trình Hòa thượng ký tên và đóng dấu. Thư cảm tạ kính gửi đến chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện; chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức, Tăng Ni; toàn thể thiện nam tín nữ Phật tử ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, ngài còn gửi đến đảng Cộng sản và nhà nước, các ban ngành đoàn thể, chính quyền các cấp; các hãng thông tấn, báo chí, v.v…

     Ðiều đáng nhấn mạnh ở đây, thư cảm tạ sau tang lễ cố Hòa thượng Chính thư ký kiêm xử lý Viện Tăng Thống, do Hòa thượng Thích Huyền Quang - quyền Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - gửi đến chính quyền cộng sản, một chính quyền độc tài toàn trị đã đặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra ngoài vòng pháp luật. Ðây là văn bản đầu tiên, ngài thực hiện trọng trách điều hành Phật sự Giáo hội sau khi thừa tiếp chúc thư.

     Tiếp theo, Hòa thượng Thích Huyền Quang gửi Ðơn xin cứu xét nhiều việc. Ngài yêu cầu đảng và nhà nước giải quyết thỏa đáng những vấn đề liên quan đến Giáo hội, đòi hỏi phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mà đảng Cộng sản đương quyền đã ngang nhiên tước đoạt một cách phi lý. Phục hoạt Giáo hội là việc làm hoàn toàn không có mưu đồ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ngài, chúng tôi chỉ thực thi các quyền căn bản được công nhận trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố năm 1966, mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

     Bao tháng ngày dằng dặc trôi qua, sinh hoạt của Giáo hội bị đình đốn. Giờ đây, nhìn con dấu Viện Hóa Ðạo - Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - được đóng màu son đỏ trên các văn bản, lòng tôi cảm thấy náo nức. Giáo hội bị chế độ cộng sản bạo tàn trù dập ngần ấy năm, nay chợt bừng sống dậy. Tuy nhiên, trong niềm vui khó tả ấy, hầu như cũng xen lẫn nỗi đau chua xót khi đọc dòng chữ “Văn phòng lưu vong - Viện Hóa Ðạo”. Chắc hẳn ai cũng liên tưởng đến các bậc tôn túc lãnh đạo Giáo hội đang bị chính quyền cộng sản lưu đày.
9 

 Chịu cảnh lao lung

     Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp do Thượng tọa Thích Không Tánh làm đại diện, văn phòng đặt tại chùa Liên Trì, quận 2, Sài Gòn. Chư Tăng Ni và Phật tử còn tâm huyết với Giáo hội dân lập thường đến đây sinh hoạt Phật sự và trao đổi tin tức Giáo hội ở trong nước và nước ngoài. Hết thảy mọi người đều cùng chung chí hướng, hoạt động phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, bất chấp công an mật vụ theo dõi, răn đe, thậm chí còn chấp nhận cảnh lao tù.

     Trung tuần tháng 9 năm 1992, chúng tôi thảo luận “Kế hoạch 20’’ do thầy Nhật Thường soạn thảo. Theo đó, chúng tôi sẽ chia thành từng nhóm đi về các tỉnh miền Trung và miền Tây, thu thập danh sách quý Tăng Ni và Phật tử đang bị giam cầm hay bị quản thúc vì lý do tôn giáo. Ngoài ra, chúng tôi còn tập hợp tư liệu bằng văn bản, hình ảnh; lập chứng cứ các tự viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường …, cùng các cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện xã hội … thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bị chính quyền cộng sản cưỡng đoạt hay chiếm dụng phi pháp từ năm 1975.

     Dự định trong vòng hai mươi ngày, nhóm chúng tôi sẽ hoàn tất kế hoạch, sau đó làm phúc trình gửi đến đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại sắp tổ chức vào cuối năm nay tại Hoa Kỳ. Ðại hội sẽ có Nghị quyết đòi hỏi Hà Nội phải trả tự do vô điều kiện cho những người còn bị giam giữ và trả lại giáo sản cho Giáo hội truyền thống. Thế nhưng, kế hoạch chưa thực hiện được thì chẳng may thầy Nhật Thường bị công an chận bắt trên đường về.

     Ngày 2 tháng 10 năm 1992, tôi đi xe gắn máy chở Thượng tọa Thích Không Tánh từ chùa Liên Trì, qua phà Thủ Thiêm, đến khu trung tâm Sài Gòn để mua một ít văn phòng phẩm. Khoảng 11 giờ, trời đổ mưa nên chúng tôi chờ tạnh ráo mới về. Chúng tôi đang đi bình thường trên đường Ðồng Khởi, thình lình từ phía sau, một người mặc trang phục cảnh sát giao thông đi xe gắn máy vượt lên, sau xe chở thêm một người mặc thường phục. Họ ra tín hiệu chặn xe tôi lại, ép vào lề đường. Tôi dừng xe bèn hỏi:

     - Có chuyện gì không anh?

     - Hai thầy cho chúng tôi kiểm tra giấy tờ xe.

     - Tôi có vi phạm luật giao thông hay không?

     - Thưa không, hai thầy không vi phạm luật giao thông. Chỉ có điều là, anh bạn này bị mất chiếc xe, anh ấy trông chiếc xe này y hệt xe của anh. Vậy mời hai thầy đến trụ sở công an phường gần đây để xác minh.

     Tôi bèn lấy giấy chứng nhận chủ quyền xe đưa cho người cảnh sát giao thông xem rồi nói:

     - Xe tôi có giấy tờ hợp lệ và đã sử dụng nhiều năm nay chứ đâu phải xe gian, cớ sao các anh lại kiếm chuyện. Hãy trả giấy tờ lại cho tôi.

     - Thôi được, hai thầy cứ về phường để chúng tôi xác minh, nếu đúng thật là xe của thầy thì chúng tôi sẽ trả lại.

     Thầy Không Tánh cự nự:

     - Việc xe cộ thì tôi đâu có liên can, tại sao các ông buộc tôi phải về phường?

     Bấy giờ, người qua đường thấy cảnh hai nhà sư và cảnh sát giao thông cãi cọ, mọi người dừng lại và nghe ngóng sự việc, có người lên tiếng bênh vực chúng tôi. Ðột nhiên, có nhiều người chen vào đám đông khống chế thầy Không Tánh, những người khác thì ngăn cản không cho đám đông dân chúng xông vào giải vây cho thầy. Chúng áp giải thầy Không Tánh lên một chiếc xe ô tô đậu sẵn gần đó, rồi nổ máy phóng nhanh. Riêng tôi, người cảnh sát ấy leo lên sau xe gắn máy, giục tôi băng qua đuờng Nguyễn Huệ, quẹo qua trụ sở công an phường Bến Nghé, quận 1, Sài Gòn.

     Ðến đồn công an, người cảnh sát giao thông lập biên bản tạm giữ xe và yêu cầu tôi cho biết tên và địa chỉ của thân nhân để họ mang xe về giao cho người ấy. Tôi suy đoán, sự việc diễn ra như vậy có nghĩa là mình đã bị bắt giữ.

     Khoảng một giờ sau, một lực lượng khoảng mươi người tập trung đến, có người mặc sắc phục công an, người thì mặc thường phục. Sau này tôi mới biết, những người ấy là thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra, cùng với các viên chức sở Công an thành phố. Mọi người tiến hành thẩm vấn, đồng thời khám xét túi xách, quay phim, chụp hình chúng tôi. Thầy Không Tánh bị thu giữ một chiếc máy đánh chữ vừa mới mua xong ở đường Huỳnh Thúc Kháng, ngoài ra thầy hoàn toàn không có một giấy tờ hay tài liệu gì mang theo người, để gọi là phạm pháp quả tang. Riêng trong túi xách của tôi chỉ có một tập đánh máy do tôi trích viết ra từ hai cuốn băng ghi âm “Lời tự thuật của Hòa thượng Thích Ðôn Hậu”.

     Nội dung chính của hai cuốn băng này là ôn kể lại những cuộc đối thoại với Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, nói về việc chính quyền cộng sản sau khi đánh chiếm miền Nam Việt Nam, chúng ra tay triệt hạ chùa chiền, chiếm đoạt nhiều cơ sở của Giáo hội, đập phá tượng Phật…, đáng kể nhất là chúng đập phá tan tành tượng đài lộ thiên Quán Thế Âm Bồ tát ở Biển Hồ (miền cao nguyên Trung phần Việt Nam). Ôn cũng thuật lại rõ ràng sự việc Thượng tọa Thích Thiện Minh bị bức tử trong nhà tù, cho đến mọi việc ứng cử và từ chức đại biểu Quốc hội v.v… Nói chung, tài liệu này ghi lại lời ôn Linh Mụ đối thoại thẳng thắn với chính quyền cộng sản, chẳng phải là tài liệu hoạt động hay chống phá nhà nước. Thế mà những viên công an vẫn tiến hành lập biên bản phạm pháp quả tang để bắt giữ thầy Không Tánh và tôi.

     Buổi chiều cùng ngày, công an đưa chúng tôi về trại giam tọa lạc tại số 3C, đường Tôn Ðức Thắng, quận 1, Sài Gòn, là cơ quan An ninh điều tra PA 24, công an thành phố. Mấy hôm sau, họ lại chuyển tôi đến trại giam số 4, đường Phan Ðăng Lưu, quận Bình Thạnh, rồi ra lệnh tạm giam bốn tháng.
Hòa thượng Thích Đức Nhuận
(1924-2002)



     Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết’’, theo điều 81, Luật Hình sự năm 1985 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ðiều tra viên là đại úy Ðinh Bá Thắng hỏi cung tôi bất kể giờ giấc. Nội dung chính trong những buổi thẩm vấn là tập trung quanh vấn đề phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngoài ra, cơ quan An ninh điều tra tìm đủ mọi cách để cố tình gán ép chúc thư của cố Hòa thượng Thích Ðôn Hậu để lại là bức chúc thư giả mạo, nhằm vô hiệu hóa công cuộc phục hồi Giáo hội truyền thống, do Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ lãnh đạo, được Hòa thượng Thích Ðức Nhuận cố vấn. 

     Tôi bị biệt giam ở khu C, ở chung với một người nguyên là công an quận Tân Bình, can tội tiếp tay buôn lậu tại sân bay Tân Sơn Nhất. Biết ở trại giam hay cài đặt người làm điểm chỉ viên để báo cáo phục vụ cho công tác điều tra, nên tôi dè dặt khi nói chuyện. Tôi được biết giáo sư Ðoàn Viết Hoạt và nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở đây, mặc dù rất ngưỡng mộ nhưng không làm sao liên lạc được.

     Thấm thoát ba tháng trôi qua, từ ngày thầy Nhật Thường, thầy Không Tánh và tôi bị bắt, ông Võ Văn Ái - phó Chủ tịch Liên Ðoàn Quốc tế Nhân quyền, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam thuộc Cơ sở Quê Mẹ tại Pháp - đã lên tiếng vận động các tổ chức bảo vệ quyền con người trên thế giới, như Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền…, cùng lúc gây sức ép với Hà Nội trả tự do cho chúng tôi. Chúng tôi lần lượt ra khỏi trại giam kèm theo lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vô thời hạn. Ðược Thượng tọa Thích Ðức Chơn đồng ý, tôi trở về tu viện Quảng Hương Già Lam chịu sự quản thúc của chính quyền. Phòng An ninh tôn giáo PA16 - công an thành phố trực tiếp giám sát tôi, mỗi nửa tháng tôi phải đến trình diện, báo cáo sinh hoạt hoặc đi lại trong nửa tháng vừa qua.


     Nhiều lần, các viên chức công an PA16 đứng đầu là Ba Lực đặt thẳng vấn đề với tôi. Nếu tôi bằng lòng tham gia cộng tác với cơ quan an ninh với một tấm lòng trung thực, sẵn sàng nhận nhiệm vụ được giao phó và hoàn thành kế hoạch, thì họ sẽ tạo điều kiện cho tôi có một cuộc sống thoải mái, được nhập hộ khẩu về thành phố, sau đó phân bổ trú trì tại một ngôi chùa lớn ở đây, quyền lợi hay địa vị đều có đủ.

     Theo sự suy nghĩ nông cạn của tôi, đối với chế độ cộng sản, khi cơ quan an ninh mời làm cộng tác viên, nhận nhiệm vụ báo cáo hay theo dõi đối phương, người được tin tưởng thu nhận phải ký vào văn bản cam kết với ngành an ninh, tuyệt đối trung thành, một lòng một dạ. Thà rằng mình từ chối ngay buổi ban đầu, chứ một khi chân đã lún sâu vào vũng bùn danh lợi này, thì khó lòng rút chân ra. Ví dầu có rút chân ra được đi chăng nữa, thì hậu quả cũng khó lường. Bởi thế cho nên, đứng giữa tình huống này, tôi áp dụng bài học nghìn vàng: “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến hậu quả của nó’’. Tôi nhất quyết từ chối, món mồi danh vị béo bở đó không làm sao câu nhử được tôi.

     Ngày 30 tháng 4 năm 1993, nhớ về tháng tư đen mười tám năm về trước, tôi viết một bức tâm thư đệ trình Hòa thượng Thích Huyền Quang để bày tỏ nỗi lòng của mình:

    Tu viện Quảng Hương Già Lam, ngày 30-4-1993
     Tâm thư kính dâng Hòa thượng Thích Huyền Quang,
     Ngưỡng bái bạch Hòa thượng,
     “Đã gần ba mươi năm trôi qua, con nhờ duyên lành được hun đúc trong chốn thiền môn. Quý ôn quý thầy đã dày công dạy dỗ con nên người, tác thành cho con pháp thân huệ mạng, ân đức của quý ngài con chưa hề báo đáp trong muôn một. Nay Hòa thượng bổn sư của con đã viên tịch, con cũng kính xin Giác linh thầy chứng giám cho lòng con.
     Kính bạch Hòa thượng,
     Vì tiền đồ đạo pháp, vì sự sống còn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, anh em chúng con một lòng quyết chí đem hết khả năng để phục hoạt Giáo hội dưi s lãnh đạo của Hòa thưng. Bi hoàn cảnh nghiệp duyên mắc vòng lao lý, tuy ra khỏi trại giam nhưng đang còn thi hành lệnh quản thúc của chính quyền. Nay chính quyền Cộng sản Việt Nam áp đặt con phải thỏa hiệp cộng tác, phải báo cáo, theo dõi những vị thầy nào họ cần. Con không thể vì chút danh lợi, hay một sự yên thân, để làm những việc mà theo sự suy nghĩ của con, ấy là việc làm thương tổn, táng tận lương tâm. Thà bản thân con sa đọa ác đạo, lăn lóc vào ngũ trược ác thế, chứ không thể có hành vi phá hoại hòa hiệp chúng Tăng, mang tội ngũ nghịch…
     Con xin nguyện hiến thân này cho đạo pháp, một dạ trung trinh, trước cơn sóng dữ này. Cúi mong Hòa thượng lân mẫn thông cảm cho nỗi lòng của con, lá thư này thành kính dâng lên Hòa thượng như lời tâm huyết, là chứng tích cho lịch sử mai hậu”…
     Kính chúc Hòa thượng pháp thể khinh an, chúng sinh dị độ. Nguyện cầu pháp nạn sớm được giải trừ.

                                              Thành kính cúi đầu vọng bái
                                              Đệ tử Tỷ kheo Thích Trí Lực
                                        
     Cũng vào thời điểm này, sau sự biến cầu Phú Xuân, nghe tin các pháp huynh và pháp đệ của tôi bị bắt tại chùa Linh Mụ, quý thầy Thích Trí Tựu, Thích Hải Tạng, Thích Hải Chánh, Thích Hải Thịnh và một số Phật tử mắc vòng lao lý. Cùng lúc ấy, tôi bị giám sát chặt chẽ hơn bao giờ hết, công an ngoại tuyến thay phiên nhau rình rập canh chừng. Ít lâu sau, tôi xin chuyển đến chùa Pháp Vân, phường 18, quận Tân Bình, được Hòa thượng Thích Thật Trí bảo lãnh. Trước năm 1975, đây là cơ sở trường Thanh niên phụng sự xã hội do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh sáng lập, chính quyền cộng sản chiếm đoạt cơ sở này dùng làm trường phổ thông trung học Trần Phú, chỉ chừa lại khuôn viên thờ tự bây giờ.

10 

Lá rách đùm lá nát


     Tháng 10 năm 1994, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long bị trận lũ lụt nặng nề, đồng bào ruột thịt sống trong cảnh màn trời chiếu nước. Hòa thượng Thích Quảng Ðộ - Viện trưởng Viện Hóa Ðạo - tổ chức cứu trợ nạn nhân, ngài gửi văn thư cho chính phủ, thông báo phái đoàn Giáo hội sẽ đi cứu trợ vào ngày 6 tháng 11 năm 1994. Thượng tọa Thích Long Trí ở Tổ đình Viên Giác, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam, được ngài mời vào làm trưởng đoàn để điều hành công việc. Thế nhưng, cuối tháng 10 năm 1994, Thượng tọa Thích Long Trí bị công an thành phố cưỡng chế phi pháp, ép buộc ngài ra sân bay Tân Sơn Nhất, đáp máy bay trở về Hội An, nhằm ngăn chặn ngài tham gia công tác cứu giúp đồng bào. Tuy vậy, số Tăng Ni và Phật tử tại đây vẫn tiến hành công việc như đã dự định.

Hòa thượng Thích Quảng Độ



     Ngày 5 tháng 11 năm 1994, sở công an thành phố mời tôi đến thẩm vấn. Ba Lực và nhiều người khác tập trung câu hỏi chung quanh vấn đề Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhẩt tổ chức đi cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại huyện Thanh Bình, tỉnh Ðồng Tháp vào ngày mai. Ðến bốn giờ chiều, các viên công an thuộc phòng An ninh tôn giáo PA16 đến chùa Pháp Vân là nơi tôi đang bị quản thúc, họ đề nghị tôi viết bảng cam kết ngày mai không đi cứu trợ. Tôi trả lời:

     - Ði cứu giúp đồng bào nạn nhân lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long là việc Giáo hội chúng tôi đã dự tính. Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã gửi văn thư thông báo cho chính quyền rồi, nếu chính quyền không cho phép thì cũng phải có văn bản trả lời cho Giáo hội chúng tôi.  Thêm nữa, phẩm vật cứu trợ do thập phương bá tánh hảo tâm chung góp, hiện giờ đều đã chuẩn bị đâu vào đó, phương tiện vận chuyển như xe cộ và thuyền bè thì chúng tôi đã hợp đồng, bởi vậy tôi nhất quyết lên đường và sẽ không bao giờ viết cam kết theo sự yêu cầu của các ông.

     Từ giờ đó đến tối, công an khu vực túc trực ở chùa Pháp Vân, lực lượng dân phòng được lệnh canh gác nghiêm ngặt bên ngoài. Khoảng ba giờ sáng, ngày 6 tháng 11 năm 1994, công an vào chùa kiểm tra hộ khẩu, đây chỉ là cái cớ để họ mời tôi ra trụ sở Ủy ban nhân dân phường 18, quận Tân Bình, để tiến hành thẩm vấn. Tại đây đã có các nhân viên an ninh quận và thành phố chờ sẵn, họ lập biên bản ghi lời khai về việc chúng tôi tổ chức cứu trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt. Ngoài ra, tôi còn bị thẩm vấn về hoạt động phục hồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong hai năm qua.
Đồng bào ruột thịt lâm cảnh cơ hàn

     Khoảng bảy giờ sáng thì lực lượng an ninh có mặt đông hơn, các ông ấy thay nhau chất vấn tôi không nghỉ. Mặt khác, công an vào chùa Pháp Vân lục soát và thu giữ một tấm băng vải lớn màu vàng có cắt dán dòng chữ “Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - Ðoàn cứu trợ’’. Họ mang tấm băng vải ấy ra trụ sở Ủy ban, lập biên bản tịch thu, gọi là tang vật vụ án, rồi buộc tôi ký vào. Ðiều làm cho tôi ngạc nhiên là vào giờ này, có cả sự hiện diện của các thầy trong ban Ðại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, quận Tân Bình (Giáo hội do nhà nước dựng lên vào năm 1981).

     Một sự kiện đáng ghi nhớ, cho đến hôm nay khi nghĩ lại, tôi vẫn tự mừng cho mình. Nhờ sự cảnh giác theo linh tính, nên tôi không bị mắc lừa mưu mô lường gạt chính trị của chính quyền Cộng sản. Suýt nữa thì tôi bị làm con cờ thí để chúng lập lờ đánh lận con đen, dối trá quần chúng và lừa bịp dư luận vào ngày hôm đó. Ấy là, sau nhiều tiếng đồng hồ thẩm vấn, khoảng mười giờ thì tôi được tạm nghỉ giải lao. Ông Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận Tân Bình vào phòng thăm hỏi và trò chuyện vui vẻ với tôi. Khi sắp cáo từ, ông ấy đưa ra lời đề nghị:

     - Từ khuya đến giờ có lẽ thầy cũng đã mệt mỏi, tiện dịp đây có quý thầy trong ban Ðại diện Phật giáo quận nhà, vậy xin mời thầy đi tham quan một lát cho khuây khỏa.

     Tôi mỉm cười hỏi lại:

     - Ông định mời tôi đi đâu?

     - Hôm nay là ngày chủ nhật, như thường lệ, ở Tổ đinh Giác Lâm quận Tân Bình có tổ chức khóa tu Bát quan trai cho các Phật tử. Mời thầy đến đây thăm Tổ đinh, sau đó chúng tôi sẽ đưa thầy trở về chùa Pháp Vân.

     - Tôi chẳng đi đâu cả, hoặc là tôi ở đây, hoặc là các ông đưa tôi trở về chùa Pháp Vân.

     Nghe tôi trả lời như vậy, ông ấy từ giã ra về. Một lát sau, vài ba người khác trở vào, họ dùng lời lẽ cảm tình nhằm thuyết phục tôi nhận lời ra xe. Tôi nghĩ rằng, mặc dầu b Công an và viện Kiểm sát chưa công bố lệnh bắt, nhưng hiện giờ cứ xem như là mình đã bị bắt. Không lẽ chính quyền lại phải năn nỉ một bị can đi thăm viếng chỗ này chỗ nọ, họ có ý đồ gì mà phải ra sức thuyết phục mình nhận lời đi đến Giác Lâm cho bằng được? Hôm nay, chùa Giác Lâm là nơi đang có đông đảo quần chúng Phật tử, ở đây cũng là văn phòng ban đại diện Phật giáo quận Tân Bình thuộc Giáo hội nhà nước. Sự có mặt của mình ở đó, chính quyền cộng sản sẽ mở một phiên đấu tố y chang thời kỳ cải cách ruộng đất, bọn chúng sẽ lên án và bôi nhọ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, rồi tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm đánh lừa dư luận về việc bắt bớ quý thầy trong đoàn cứu trợ hôm nay. Tôi dặn lòng, xưa nay cộng sản vốn nhiều mưu mô xảo quyệt, hãy đừng để cho bọn chúng đánh lừa. Nghĩ đến đây, tôi nhất quyết chối từ.

     Suốt cả buổi chiều, tuy không có ai thẩm vấn, nhưng họ vẫn không cho tôi về. Bên ngoài, cửa vẫn khóa chặt, công an thay phiên nhau canh gác. Thế là đêm nay, tôi phải ở lại tại trụ sở Ủy ban phường, chỉ cách chùa Pháp Vân chừng vài trăm mét. Suốt đêm dài, giấc ngủ cứ chập chờn, tôi chạnh lòng nghĩ đến chư vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ trải qua bao năm dài chịu cảnh lưu đày quản thúc. Quý thầy Thích Không Tánh, Nhật Thường và các vị khác, giờ này có lẽ cũng đang mắc vòng lao lý như tôi. Vì lý tưởng phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chúng tôi còn phải gánh chịu nhiều gian nan vất vả, thậm chí sẵn sàng chấp nhận cảnh cá chậu chim lồng.

     Hôm sau, ngày 7 tháng 11 năm 1994, một toán công an áp giải tôi về đồn công an quận Tân Bình, rồi họ chuyển giao cho cơ quan An ninh điều tra PA24, công an thành phố, số 3C đường Tôn Ðức Thắng, quận 1, Sài Gòn. Thế là hơn hai năm sau, tôi lại tiếp tục bước chân vào đây. Khung cảnh trại giam cũng chẳng có gì thay đổi, vẫn những dãy buồng biệt giam, có những cánh cửa sắt nặng nề đóng kín, trong đó đã từng giam hãm bao người. Ông Ðinh Bá Thắng là cán bộ điều tra tôi trong đợt bị bắt năm 1992, nay ông ấy phụ trách đội trưởng đội quản lý trại giam. Trông thấy tôi, ông ta lắc đầu với giọng trách móc:

     - Tôi buồn anh quá, không biết cải thiện, để vào đây nữa.

     Tôi im lặng và mỉm cười.

     Lúc trời nhá nhem tối, ông ấy lại vào gõ cửa buồng giam và hỏi tôi để chìa khóa tủ ở đâu? Tôi trả lời và nghĩ rằng, đêm nay chắc chắn chính quyền sẽ khám xét chùa Pháp Vân. Qua ngày sau, công an mang vào trại giam một số văn bản của Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ ấn ký mà họ tịch thu được tại chùa, rồi buộc tôi ký tên vào từng tờ một.

     Tuy công an đã bắt giam tôi gần một tuần lễ, nhưng nay cơ quan điều tra mới tống đạt cho tôi lệnh bắt khẩn cấp đề ngày 6 tháng 11 năm 1994, can tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”, theo điều 81, Luật Hình sự năm 1985. Một tháng sau, cơ quan này lại ra thêm quyết định bổ sung tội danh: “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội, hoặc của công dân” theo điều 205a, Quốc hội bù nhìn mới thông qua. Tôi hỏi dò la mới biết, trong đợt đi cứu trợ nạn nhân lũ lụt, quý thầy Thích Không Tánh, Thích Nhật Ban, thầy Nhật Thường và Phật tử  Ðồng Ngọc cũng đều bị bị bắt giam ở đây. Ðầu tháng giêng năm 1995, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ bị bắt tại thiền viện Thanh Minh, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

     Tại các buổi hỏi cung, điều tra viên thường ghi vào biên bản, việc chúng tôi tổ chức đi cứu trợ đồng bào tại vùng đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, là nhằm phô trương thanh thế Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Họ quy chụp rằng, đây là Giáo hội bất hợp pháp, chưa được nhà nước cho phép hoạt động và có những hoạt động chống phá chính quyền.

     Tôi bị biệt giam ở khu B, các buồng giam ở đây tuồng như những chiếc hộp vuông nhỏ được đúc kiên cố, tất cả đều nằm gọn trong mái che lớn lợp bằng tôn, chẳng khác gì một nhà kho. Người bị nhốt chịu cảnh nóng bức ngột ngạt, hoàn toàn không nhìn thấy bầu trời, ngày cũng như đêm, chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường vôi chật chội, với ngọn đèn vàng mờ mờ mịt mịt.

     Tết đến, tôi bị giam chung với một thanh niên chừng ba mươi tuổi, anh ta rầu rĩ suốt đêm ngày. Hỏi ra mới biết, anh ấy bị bắt vào đây chỉ vì tội dám viết lên vách tường trong một khu chợ đông đúc nào đó ở Hốc Môn: “Nhà nước cấm đốt pháo, để pháo nhà nước đốt’’, rồi ký tên Ðỗ Mười. Thì ra, Tết Nguyên đán Ất Hợi năm nay (1995), nhà nước ra lệnh cấm đốt pháo. Vui tay vui miệng như anh ấy đến nỗi nào mà cũng phải chịu tội tuyên truyền chống chế độ, để phải vào ở nhà đá nếm mùi cộng sản, hưởng một cái Tết trong tù.

11 

Trước vành móng ngựa

     Trung tuần tháng 3 năm 1995, tôi được thoát khỏi cảnh bịt bùng ở khu B bên trong, cán bộ chuyển tôi ra khu A, ở chung với giáo sư Phạm Tường, mỗi ngày được tắm nắng vài tiếng đồng hồ, tương đối thoải mái hơn.

     Giáo sư Phạm Tường là phó Chủ tịch Phong trào Thống nhất Dân tộc và Xây dựng Dân chủ, người sáng lập là cố giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Hiện nay, chủ tịch phong trào là giáo sư Nguyễn Ðinh Huy, cũng bị bắt giam ở đây. Phong trào dự định tổ chức một buổi hội thảo về kinh tế Việt Nam tại khách sạn Metropol, Sài Gòn, ban tổ chức đã gửi đơn xin phép chính quyền hẳn hoi. Thế nhưng, khoảng giữa tháng 7 năm 1993, nhiều người trong phong trào bị bắt, quy tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’’. Nay bọn cộng sản không còn dùng cụm từ “Âm mưu lật đổ chính quyền’’ như trước đây nữa, có lẽ vì chúng bị phản bác, âm mưu tức chỉ mới ngấm ngầm, nhen nhúm, nên không thể kết tội người ta mà bỏ tù được.

     Thời chế độ cũ, Phạm Tường tốt nghiệp đại học Chính trị kinh doanh Ðà Lạt, anh ấy là người hiếu học, và cũng là một nhà thơ. Tôi bày cho anh thêm kiến thức chữ Hán, dùng phấn viết lên cửa phòng giam, trích các đoạn văn hay từ Quy Sơn cảnh sách mà tôi đã thuộc làu từ hồi nhỏ. Anh ấy lại giảng giải cho tôi một số kiến thức về chính trị, xã hội…, chúng tôi kết bạn vong niên, hằng ngày chuyện trò tâm đắc.

     Thượng tuần tháng 8 năm 1995, vụ án Nguyễn Ðình Huy được đưa ra xét xử, tất cả các vị trong Phong trào Thống nhất Dân tộc và Xây dựng Dân chủ đều được chuyển sang khám đường Chí Hòa, đôi bạn chúng tôi tạm chia tay.

     Ngày 15 tháng 8 năm 1995, nhà cầm quyền cộng sản đưa vụ án Phật giáo ra tòa xét xử. Ðây là lần thứ ba chúng tôi nhận quyết định xét xử của tòa án. Hai lần trước, khoảng tháng 6 hay tháng 7 năm 1995, thời điểm Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, điều mà chính quyền cộng sản mong mỏi suốt hai chục năm qua, có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến tòa án tạm hoãn xét xử để kiếm chác điểm tốt về nhân quyền.

     Hơn nửa tháng nay, Thượng tọa Thích Không Tánh và Thích Nhật Ban tuyệt thực để phản đối phiên tòa phi lý này, sức khỏe quý thầy đã đến mức suy yếu. Trước hôm xử, công an trại giam răn đe chúng tôi, nếu ngày mai không chấp hành trát lệnh tòa án, thì họ sẽ thi hành biện pháp cưỡng chế. Nguyên do có lẽ thầy Thích Nhật Ban luôn luôn giữ thái độ bất hợp tác. Từ khi bước chân vào tù, thầy không chịu đến phòng cung để điều tra viên thẩm vấn. Thậm chí những lúc các cơ quan tố tụng tống đạt kết luận điều tra, cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử…, thầy cũng không bao giờ ký nhận.

     Tờ mờ sáng hôm ấy, đội công an vũ trang trại giam đưa chúng tôi lên xe bịt bùng áp giải đến tòa án Nhân dân thành phố. Sân tòa vẫn còn vắng ngắt, các cửa phòng đóng kín. Tôi và thầy Nhật Thường đi cạnh nhau, hai người trao đổi chuyện trò. Vừa bước lên bậc thềm, bất chợt chúng tôi trông thấy Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đang ngồi nghỉ ở hàng hiên, chung quanh có mấy gã công an đứng canh chừng. Thầy Nhật Thường và tôi quỳ xuống trước mặt ngài, đôi tay bị còng chắp ngang ngực, chúng tôi cúi đầu đỉnh lễ ngài sát đất với một niềm cảm xúc thiêng liêng. Nhìn hình ảnh đó, mấy người đứng gác bên cạnh tỏ vẻ cảm động.
Lực lượng công an canh phòng nghiêm ngặt
trước cổng tòa án   

     Hòa thượng đỡ chúng tôi dậy, khi ấy thầy Không Tánh, thầy Nhật Ban và Phật tử Ðồng Ngọc cũng vừa mới đến, mọi người đứng hầu bên cạnh ngài để vấn an. Sau mấy lời thăm hỏi, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ ân cần dặn bảo chúng tôi:

     - Hôm nay, chính quyền cộng sản xét xử chúng ta, tôi có lời khuyên các vị không cần tranh luận trước tòa, thêm nữa, cũng chẳng nên chống án làm gì, việc làm của chúng ta hãy để cho lịch sử mai hậu phán xét.

     Khoảng tám giờ, phiên tòa khai mạc, đông đảo Tăng Ni và Phật tử đến dự ngồi chật kín phòng xử, bên ngoài cũng tấp nập không kém, trong khi các lực lượng công an cảnh sát canh phòng nghiêm ngặt. Suốt phiên tòa, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ trong phong thái từ tốn, chẳng cần tranh luận phải quấy mà chỉ giữ im lặng. Khi chủ tọa phiên tòa thẩm vấn về việc phục hoạt Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nếu chúng tôi có lời biện minh thì bị cắt ngang ngay, chỉ được trả lời câu hỏi, rằng có hay không mà thôi.

     Trong thời gian qua, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam - ông Võ Văn Ái và nữ sĩ Ỷ Lan - đã làm hết sức mình, vận động các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản trả tự do cho chúng tôi. Ðuợc biết ông Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã mời được các luật sư nước ngoài biện hộ cho phiên xử này, nhưng Hà Nội từ chối bằng cách không cấp chiếu khán nhập cảnh cho các vị này.

     Công cuộc phục hồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ lãnh đạo, chúng tôi chỉ hành sử theo Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị đã được Liên Hiệp Quốc công bố năm 1996, nhằm đòi hỏi tự do tôn giáo, đòi lại pháp lý sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo truyền thống, mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngang nhiên chà đạp và tước đoạt một cách phi lý.

     Chúng tôi không phá hoại chính sách đoàn kết như cáo trạng đã nêu, mà chính đảng Cộng sản đương quyền đang tâm phá hoại sự đoàn kết của Giáo hội chúng tôi. Vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là Giáo hội dân lập, được hình thành do nguyện vọng của Tăng tín đồ Phật giáo, là một Giáo hội truyền thừa của chư vị Tổ sư trải qua các đời, nay bị chính quyền cộng sản đàn áp một cách thô bạo và nghiệt ngã, cho nên buộc lòng chúng tôi phải thành lập Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp.

     Ban Văn hóa từ thiện xã hội tổ chức cứu trợ nạn nhân lũ lụt, nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau thương và mất mát của những người lâm cảnh màn trời chiếu đất, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào; đúng với tinh thần máu chảy ruột mềm, lá rách đùm lá nát. Chúng tôi nào có lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, của tổ chức xã hội, hoặc của công dân như cáo trạng đã nêu, nhằm buộc tội chúng tôi. Hãy xét cho kỹ, dưới chế độ cộng sản độc tài toàn trị, thì đâu có tự do hay dân chủ để cho chúng tôi lợi dụng.
Phiên tòa ngày 15.8.1995 tại Sài Gòn
Từ trái sang phải: Hòa thượng Thích Quảng Độ, Nhật Thường, Thích Nhật Ban,  Đồng Ngọc, Thích Trí Lực, Thích Không Tánh. Nguồn ảnh: Lê Hiệp, phóng viên hãng thông tấn AP
     Khi chính quyền cộng sản bắt chúng tôi vào trại giam, tiến hành lập các thủ tục tố tụng như quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giữ, lệnh tạm giam v.v…, các cơ quan hữu quan đã ngang nhiên tước bỏ họ Thích trước hai chữ pháp tự của chúng tôi, phải chăng để lừa bịp dư luận, rằng chính quyền đang bắt giam và khởi tố những công dân bình thường, chứ không liên quan gì đến tôn giáo hay các nhà sư Phật giáo. Cách xưng gọi Ðặng Phúc Tuệ tức Quảng Ðộ, Phan Ngọc Ấn tức Không Tánh, Hồ Bửu Hoa tức Nhật Ban, Phạm Văn Tưởng tức Trí Lực đủ chứng tỏ điều lọc lừa ngang ngược ấy.
Trong thời gian bị lưu đày quản thúc tại xã Vũ Ðoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (miền Bắc Việt

     Nam), Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã viết tập “Nhận định về những chính sách sai lầm tai hại của đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc và Phật giáo”, tập nhận định này đã gây chấn động và làm xúc cảm biết bao người. Bởi lẽ ấy, chính quyền cộng sản ngoài việc kết tội ngài là một trong những hàng lãnh đạo công cuộc phục hoạt Giáo hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, chúng còn cho rằng, ngài đã xuyên tạc và bôi nhọ chế độ, nên đã dành cho ngài bản án năm năm tù hết sức phi lý bất công. Tòa cũng tuyên án thầy Thích Không Tánh chịu năm năm tù, vì chúng cho rằng, thầy có hành vi sai trái pháp luật ở mức độ nghiêm trọng và còn lôi kéo nhiều người khác tham gia. Thầy Thích Nhật Ban chịu bốn năm tù, thầy Nhật Thường chịu ba năm tù, Phật tử Ðồng Ngọc chịu hai năm tù treo và tòa kết án tôi ba mươi tháng tù. Ngoài bản án tù giam, chúng tôi còn bị quản chế năm năm sau khi mãn hạn tù. Thế là cảnh lao ngục cộng sản vẫn tiếp tục vây hãm chúng tôi.

     Nhà thơ Phổ Đức đã làm bài thơ Cảm đề Trí Lực (trích hồi ký Một đời làm thơ, cuốn 5):

     Cứu lụt giúp dân bị bắt tù,
     Lái thuyền Bát nhã khéo công tu.
     Liên Hoa[1] chùa vẫn ngời trăng hạ,
     Trí Lực sư còn rạng nắng thu.
     Trí Thủ[2] khai thơ hoa kết trái,
     Yên Linh[3]  hạ bút quả công phu.
     Chợ đời ngơ ngác không nơi tựa!
     Lều cỏ dịch kinh giữa hỏa mù.
                                       Phổ Đức

     Chiều hôm phiên tòa kết thúc, chuyến xe tù đưa chúng tôi vào khám đường Chí Hòa, một nhà tù nổi tiếng được xây dựng cách đây ngót năm chục năm, dưới thời quân phiệt Nhật đảo chính thực dân Pháp tại Việt Nam. Khám đường này được xây theo hình bát giác, gồm một tầng trệt và ba tầng lầu. Ở đây có nhiều khu, lối đi quanh co chẳng khác nào lạc vào bát quái trận đồ. Buồng giam tập thể thì mặt trước có chấn song, còn buồng giam cứu chỉ rộng chừng năm bảy mét vuông, không khí ngột ngạt, tối tăm bịt bùng.

     Thầy Nhật Thường và tôi bị giam chung ở một buồng nhỏ; thầy Thích Không Tánh và Thích Nhật Ban thì bị giam chung ở buồng giam cùng dãy. Quý thầy làm đơn kháng án và vẫn tiếp tục tuyệt thực để phản đối phiên tòa giả trá vừa qua. Do sức khỏe sút kém đến mức kiệt quệ, nên thầy Thích Nhật Ban được đưa xuống trạm xá khám đường để theo dõi bệnh tình.
vào lý do hộ khẩu, các vị Tăng Ni nào không có hộ khẩu ở Sài Gòn đều bị trục xuất ra khỏi thành phố, hoặc bị buộc trở về quê quán. Thích Trí Lực từ thiền viện Vạn Hạnh (Sài Gòn) về đây tạo lập một ngôi chùa tranh vách đất giữa cảnh đồng không mông quạnh để cùng hàng chục chư Tăng tiếp tục tu học và hướng dẫn Phật tử. Năm 1990, Thích Trí Lực cung thỉnh chư tôn đức mở giới đàn Bồ tát tại gia và Thập thiện giới, có khoảng hơn một nghìn giới tử khắp các nơi về đây phát tâm thọ giới trong sự vây bủa và theo dõi chặt chẽ của chính quyền cộng sản. Nhờ Phật lực gia hộ, cuối cùng giới đàn truyền giới cho Phật tử cũng được thành tựu viên mãn.

[2]               Hòa thượng Thích Trí Thủ đề tặng Thích Trí Lực bài thơ trong mùa an cư kiết hạ năm 1981 tại tu viện Quảng Hương Già Lam:
                     Trí Lực năng tiêu vạn cổ sầu,
                     Thân vân tâm nguyệt nhất thời hưu.
                     Dục ly không hữu đoạn thường luận,
                     Khổ hải cuồng ba bát hoạt chu.
                     Tạm dịch:
                     Trí Lực hay tiêu khổ muôn đời,
                     Trăng tâm mây thể một thời thôi.
                     Muốn lìa luận có không thường đoạn,
                     Sóng cuồng biển khổ chống thuyền chơi.
                 
                   
                       
[3]               Thi sĩ Đoàn Yên Linh cảm  tác bốn câu  thơ trong buổi lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa Liên Hoa vào năm 1988:

                     Từ trong giọt lệ giữa đời,
                     Mấy ai tìm được nụ cười Pháp Hoa.
                     Vui sao giữa chốn rừng xa,
                     Chợt bừng lên đóa Liên Hoa tuyệt vời!
                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét