Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

DÒNG HỌ NGÔ ĐÌNH ƯỚC MƠ CHƯA ĐẠT - PHẦN CUỐI

Cựu Trung Tá Nguyễn Văn Minh - LÝ THUYẾT

Lý thuyết của Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng là chủ nghĩa Nhân Vị Á Đông do ông Ngô Đình Nhu đề xướng. Cũng như tất cả các chủ nghĩa và học thuyết khác thường được ra đời do một hoàn cảnh lịch sử, chủ nghĩa Nhân Vị Á Đông được ra đời do sự đòi hỏi của hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ những năm 30-40.
Đầu năm 1930 đảng Cộng Sản đông dương (Việt, Miên, Lào). Mục đích của đảng này là quảng bá và thực thi chủ nghĩa Cộng Sản, một chủ nghĩa chủ trương vô thần, vận động một cuộc cải tổ xã hội bằng thực hiện đấu tranh giai cấp, gieo rắc hận thù, xóa bỏ truyền thống, tập tục,  nếp xin hoạt, nền đạo lý của xã hội cũ. Tạo dựng một hệ thống xã hội và kinh tế mới mà trong đó mọi phương tiện sản xuất kể cả con người, cũng như sản phẩm đều là cộng hữu. Tất cả đều do nhà nước quản lý và phân phối.

Cải tổ xã hội để giải phóng con người là mục đích cuối cùng của công cuộc tranh đấu mà các con Cụ Ngô Đình Khả hằng theo đuổi để thực hiện ước vọng của Cụ. Nhưng nhận thấy cải tổ xã hội theo đường lối của đảng Cộng Sản là một việc làm cực kỳ nguy hại, nó sẽ làm sụp đổ từ nền móng, luân lý, truyền thống đạo đức của dân tộc. Nhằm tìm một đường lối cải tổ xã hội không gây ra những nguy hại như chủ nghĩa Cộng Sản, ông Ngô Đình Khôi đã đưa ông Nhu qua Pháp du học.

Ông Ngô Đình Nhu khi ấy mới hai mươi tuổi, nhưng tính tình trầm tĩnh, ít nói, thích suy nghĩ và có một khả năng nhận xét, phán đoán rất khoa học. Qua Pháp, ông thi vào Trường Ecole des Chartes (Cổ điển học hiệu) theo môn Cổ học để có môi trường nghiên cứu, sưu tầm các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội xưa và nay, khả dĩ giúp ông xây dựng được một hệ thống tư tưởng tiến bộ, nhưng phù hợp với nền kinh tế, văn hóa và hoàn cảnh xã hội của Việt Nam.
Khi đã thành tài, phải hồi hương, nhưng công việc nghiên cứu vẫn chưa hoàn tất nên,  theo Nhật Báo Cách Mạng Quốc gia thời Đệ I Cộng Hòa Việt Nam, số ra ngày 25.10.1962:
‘’Cùng trong năm 1938, sau khi đậu Cử Nhân Văn Chương và tốt nghiệp Trường Cổ Điển Học Hiệu tại Ba Lê, ông trở về phục vụ. Nhà đương cuộc Pháp mời ông đảm trách chức vụ quan trọng trong guồng máy cai trị, nhưng ông đều từ chối, chỉ nhận chức vụ hoàn toàn chuyên môn: Chánh Sự vụ Sở Sưu Tầm Tài Liệu Tổng Quát tại Thư Viện Trung Ương Đông Dương (Hà Nội 1938-1942), để có dịp tiếp tục nghiên cứu các nền văn minh Âu, Á, các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế hiện đại cùng các trào lưu tiến hóa của nhân loại. Chính nhờ ở công cuộc khảo cứu uyên thâm này và nhờ ở đức sáng tạo phong phú hiếm có mà Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông đã chớm nở và phát triển mạnh mẽ.
Từ 1942 đến 1945, ông liên tiếp giữ chức Chánh Sự Vụ Sở Văn Khố và Thư Viện Trung Phần, và Tổng Giám Đốc Nha Văn Khố và Thư Viện Việt Nam.
Ông Ngô Đình Nhu đặc biệt quan tâm đến lực lượng lao động và hoạt động mạnh mẽ cho Phong Trào Nghiệp Đoàn.
Ông là người sáng lập Liên Đoàn Lao Công Việt Nam. Đường lối hoạt động của Liên Đoàn do ông hoạch định và soạn thảo.
Trong những năm 1949, 1950, tiếng tăm của ông lừng lẫy sau những buổi diễn thuyết về ‘’Chủ Nghĩa Nhân Vị’’ và ‘’Học Thuyết Xã Hội Nhân Bản’’ tại Đà Lạt, Hà Nội, Huế, Sài Gòn.
Năm 1950, ông Ngô Đình Nhu thành lập và là Chủ Bút Tạp Chí ‘’Xã Hội’’, mà đường lối đấu tranh đã gây một ảnh hưởng sâu rộng trong các giới thức giả Việt Nam’’.
Để quý độc giả có một ý niệm khái quát về chủ nghĩa Nhân Vị Á Đông và Học Thuyết Xã Hội Nhân Bản do ông Ngô Đình Nhu đã nghiên cứu và hình thành. Dưới đây, tôi xin trích nguyên văn lời ông giải thích vắn tắt về chủ nghĩa và học thuyết này, trong buổi sinh hoạt với các Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược Khóa VIII dành cho các Giáo Sư Đại và Trung Học,  ngày 8.1.1963 tại Trung Tâm Thị Nghè. Và cuộc nói chuyện với Cán Bộ Xây Dựng Ấp Chiến Lược tại một Tỉnh miền Trung cũng vào đầu năm 1963.
Tại Thị Nghè, ông nói: ‘’... mình đánh nhau với Cộng Sản, bây giờ Cộng Sản nó đánh mình với một Ý Thức Hệ, mà chúng ta không có một Ý Thức Hệ cứng rắn, rõ ràng, trong tâm trí chúng ta để đối lại, để có lẽ sống mà đánh Cộng Sản thì chúng ta sẽ bị ý thức hệ Cộng Sản lan tràn lung lạc’’.
Một vị Giáo Sư, ông Vũ Quốc Thúc, hỏi:
Hỏi: Ông Cố Vấn Chính Trị có nói, có thể đây là Ý Thức Hệ (Nhân Vị) toàn diện.  Chúng tôi thấy trong một Quốc Gia khó thống nhất được các Ý Thức Hệ. Về Ý Thức Hệ có người theo tôn giáo này, có người theo tôn giáo kia, có người không theo tôn giáo nào. Vì vậy,  về vấn đề Ý Thức Hệ toàn diện chúng tôi thấy nó khó như vậy.
Đáp: Chúng tôi nói Ý Thức Hệ toàn diện, là có ý nói về sự toàn diện của con người.  Con người có ba phương diện:
- Phương diện thứ nhất là đời sống Nội Tại (bề sâu) có: Tự do, trách nhiệm, siêu nhiên,  tình thương.
- Phương diện thứ hai là đời sống Cộng Đồng (bề rộng) có: Sống với cộng đồng gia đình, cộng đồng xã hội, cộng đồng quốc gia, cộng đồng nhân loại và sống trong thiên nhiên.
- Phương diện thứ ba là đời sống Siêu Nhiên (bề cao) có: Sự hướng lên với cái gọi là Toàn Chân, Toàn Mỹ, Toàn Thiện. Cái Toàn Chân, Toàn Mỹ, Toàn Thiện đó, người này nói là Thiên Chúa, người kia nói là Thần Chủ, người nọ nói là Thượng Đế, người khác nói là Đấng Chí Tôn. . . cái đó mình không đi sâu vào, nhưng ai cũng biết là mình có Chiều Cao hướng lên với cái ta gọi là Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ.
Cái căn bản triết lý ấy không ít thì nhiều cũng có va chạm vào các tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền của xứ sở. Nhưng chuyện phải dứt khoát với một số thái độ, thái độ triết lý, tín ngưỡng hay là cảm tình cổ truyền là một cuộc Cách Mạng phải làm, không làm không được. Vì giả như có người nói rằng ta phải tôn trọng và thờ ‘’miếng sắt’’, và truyền giảng đó là một tín ngưỡng, một tôn giáo. Và nếu ta tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo ấy, không dám đập vào miếng sắt thì làm sao mà có kỹ nghệ hóa được. . . Tôi rất đồng ý với ông bạn đã nêu lên vấn đề đó,  nghĩa là mình không đi sâu vào đạo giáo nào, nhưng có một số thái độ phản tiến bộ thì mình phải biến đổi. . . Đó là nhiệm vụ đối với Dân Tộc, mình không thể đào ngũ, không thể trốn tránh nhiệm vụ lãnh đạo của mình, nhưng phải cởi mở, vui vẻ trẻ trung, thương yêu nhau, chứ không phải đả phá làm mất lòng nhau.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng có một số thái độ cổ truyền không thể tồn tại, vì nó chận bước tiến của dân tộc. Từ sự nhìn nhận ấy, ta ý thức được nhu cầu phải thanh toán bằng cách này hay cách khác, một số thái độ làm cản trở bước tiến của Dân Tộc, bước tiến nhằm phục vụ con người trong xã hội.
Muốn phục vụ con người trong xã hội thì con người đó phải tiến, xã hội đó phải tiến.  Nhưng xã hội chỉ tiến được với những con người có ý thức nhiệm vụ. Cho nên, trên nguyên tắc, chúng ta phải nhìn nhận rằng cần phải có một ý thức hệ tiến bộ.
Ý Thức Hệ chúng tôi chủ trương là Ý Thức Hệ Nhân Vị. Về Tư Tưởng Nhân Vị có nhiều thứ. Có thứ họ căn cứ vào một tín ngưỡng hữu hình, một tín ngưỡng chắc chắn, căn bản.  Có thứ lại nhuốm phần nào vô thức. . . Ý Thức Hệ Nhân Vị chúng tôi chủ trương nó rất rộng rãi và không cần phải đi sâu vào các đạo giáo, tất cả các triết lý khác, có thể cùng đi với chúng ta được trong Ý Thức Hệ đó.
Hỏi: Người ta cho rằng Thuyết Nhân Vị hiện tại ở khu vực Quốc Gia của chúng ta là cái Nhân Vị của các Linh Mục đã dạy ở Vĩnh Long, thì hoàn cảnh liên đới với một tôn giáo,  bởi thế cho nên chúng tôi có thắc mắc về vấn đề Nhân Vị với lại toàn diện của con người, mà ông Cố Vấn lúc đầu có đề nghị ra?
Đáp: . . . tôi thấy có thắc mắc là tại vì có lớp học Nhân Vị do các ông Linh Mục ở dưới Vĩnh Long là tiêu biểu. Chúng tôi không phủ nhận công nghiệp của ai cả, nhưng chúng tôi nói để các anh em biết rằng, chúng tôi không biết gì về chuyện dạy Nhân Vị ở Trung Tâm đó,  chúng tôi không theo dõi không chủ trương. Đó là một cố gắng cá nhân trước sự thiếu sót một Ý Thức Hệ. Có một số người bên Công Giáo họ đứng ra tổ chức, nội dung và đường lối học tập không liên quan gì đến Chính Phủ hay toàn dân. Đó chỉ là một sáng kiến riêng có ích.
Ta không thể nói rằng đem cái đó ra để lừa bịp người ta, bởi vì ai cũng biết đó là loại Nhân Vị Thiên Chúa Giáo. Đối với Thuyết Nhân Vị Thiên Chúa Giáo, chúng tôi cũng chưa hiểu cái đó có đúng không, chưa hiểu cái đó nó có đúng tới mức không.
Chúng ta cần minh xác, đó là một sáng kiến tư nhân, nhưng được Chính Phủ ủng hộ và giúp đỡ, vì cho đến nay, ngoài Trung Tâm ấy, chúng ta không có một nơi nào khác để bàn thảo về một Ý Thức Hệ Quốc Gia. Bây giờ chúng ta cùng nhau tổ chức trên lập trường dân tộc, để mà đặt đúng cái đường lối Nhân Vị của chúng ta.
Và trong cuộc nói chuyện tại một Tỉnh ở miền Trung cũng vào đầu năm 1963, để giúp cán bộ dễ hiểu và dễ nhớ những điểm chính yếu, thuyết Nhân Vị Á Đông do ông đề xướng được ông giảm lược bằng phương trình sau đây:
TAM TÚC + TAM GIÁC= TAM NHÂN
(Chữ TAM NHÂN dùng ở đây có nghĩa là ba chiều kích của con người, như đã nói ở trên).
Và ông giải thích vắn tắt:
A-TAM TÚC:
1.  Tự Túc về Tư Tưởng là tự mình suy luận, cân nhắc mà lựa chọn một chính nghĩa để phụng sự và một khi đã chọn rồi thì không còn lay chuyển nữa. Chính nghĩa đó là cuộc cách mạng chính trị, xã hội, quân sự mà ta đang cụ thể hóa trong các Ấp Chiến Lược. Sau đó ta tự phát huy chính nghĩa trong tâm hồn, tự học tập và tự bồi dưỡng tinh thần của ta, không cần ai thôi thúc. Tự Túc được về tinh thần, về tư tưởng, thì tất nhiên trong mọi trường hợp khó khăn ta vẫn vững tâm, hoặc dù có nội loạn ở Thủ Đô Sài Gòn chăng nữa, thì ta cũng không bị hoang mang hay bị lung lạc. Tự Túc về Tư Tưởng để phát huy và bành trướng chủ nghĩa. Muốn được vậy thì phải:
2.  Tự Túc về Tổ Chức và Tiếp Liệu, là tự ta tìm tòi, phát huy sáng kiến để có nhiều nhân vật lực để hoạt động, không ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác. Chính Phủ chỉ cần giúp ta một số vốn căn bản, dựa vào đó ta tìm cách biến cải thêm để hành động và mở rộng phạm vi hoạt động. Chẳng hạn hiện giờ ta thiếu kẽm gai để làm Ấp Chiến Lược, thì ta cố gắng tìm vật liệu khả dĩ làm tê liệt cơ thể bất cứ ai động đến (như đồng bào Thượng đã làm trên Cao Nguyên), hoặc dùng địa hình địa vật để lồng hệ thống bố phòng Ấp Chiến Lược vào trong đó,  đỡ cần đào hào hay rào kẽm gai. Muốn thực hiện Tự Túc về Tổ Chức thì cần phải:
3.  Tự Túc về Kỹ Thuật, là phát huy khả năng chiến đấu và khai thác, phát triển khả năng của nhân vật lực sẵn có đến tột mức 100%.
Ba bộ phận của Tam Túc có liên hệ mật thiết với nhau, muốn Tự Túc về Tổ Chức mà không Tự Túc về Kỹ Thuật thì Tổ Chức không thành, thiếu Tự Túc Tư Tưởng thì tất nhiên sẽ không có Tự Túc Tổ Chức và Tự Túc Kỹ Thuật. Từ quan niệm Tam Túc đó phát sinh ra quan niệm Tam Giác.
B- TAM GIÁC:
1.  Cảnh giác về Sức Khỏe (thể xác) nghĩa là không được đau ốm. Do đó ta phải tránh tất cả những việc làm phương hại cho thân xác ta như đau ốm, tứ đổ tường. Bảo đảm sức khỏe thì mới bảo đảm được khả năng làm tròn nhiệm vụ.
2.  Cảnh Giác về Đạo Đức và Tác Phong Đạo Đức, vì tác phong và đạo đức là điều kiện cốt yếu của cán bộ, thiếu tác phong đạo đức sẽ chi phối tư tưởng, sẽ biến khả năng làm việc thiện ra việc ác, chưa kể việc thất nhân tâm.
3.  Cảnh giác về Trí Tuệ là phát huy óc sáng tạo, sáng tác khả năng chiến đấu của nhân vật lực sẵn có đến tột độ.
Vậy, không có sức khỏe, đau ốm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến óc sáng tạo và thu hẹp phạm vi hoạt động của đạo đức. Không có óc sáng tạo thì dù có sức khỏe, có đạo đức, cũng không có khả năng bồi bổ vào sự thiếu thốn nhân vật lực, là tình trạng của một nước chậm tiến. Có sức khỏe, có óc sáng tạo, nhưng không có đạo đức, thì sức khỏe ấy, óc sáng tạo ấy, sẽ phục vụ cho phi nghĩa, không phải cho chính nghĩa.
Bởi đó cho nên ba bộ phận của Tam Giác có liên hệ mật thiết với nhau. Và, có Tam Giác mới có Tam Túc, Tam Túc và Tam Giác liên hệ chặt chẽ với nhau.
Và Tam Túc hợp với Tam Giác mới cống hiến đủ điều kiện khách quan và chủ quan cho sự thực hiện lịch sử của Tam Nhân Chủ Nghĩa. Tam Nhân Chủ Nghĩa gồm có:
a.  Thực tại của con người về Bề Sâu của nó, trong đó có tự do, trách nhiệm, suy luận và tình thương.
b.  Thực tại về Bề Rộng của con người là cảm thông và liên đới với các con người khác, thành ra một cộng đồng nhân vị.
c.  Thực tại về Bề Cao của con người, vì con người bởi Thượng Đế mà ra, sinh ký, tử quy và sẽ trở về với Thượng Đế.
Đứng về phương diện kinh tế, xã hội, chính trị, Tam Nhân Chủ Nghĩa đó được biểu lộ ra trong danh từ
NHÂN VỊ + CỘNG ĐỒNG = ĐỒNG TIẾN
Và đang được thực hiện một cách cụ thể, dễ hiểu trong các Ấp Chiến Lược.
(Nhân Vị phải kết hợp với Cộng Đồng và ngược lại, và cùng tiến. Vì Nhân Vị không kết hợp với Cộng Đồng thì chỉ là một hình thức che đậy Cá Nhân Chủ Nghĩa quy về vị kỷ.  Cộng Đồng không kết hợp với Nhân Vị thì chỉ là một Tập Thể Chủ Nghĩa trá hình nhằm nô lệ hóa con người).
Tóm lại, vốn liếng mà ta trao cho Cán Bộ được rút gọn trong phương trình:
TAM TÚC + TAM GIÁC= TAM NHÂN
Đó là căn bản tư tưởng và phương pháp hoạt động của dân tộc ta. Căn bản đó nhằm chống lại mặc cảm hòa giải, chống lại thói bất phản kháng điều ác và đầu hàng trước thời thế.  Lý tưởng NHÂN VỊ cống hiến cho thế hệ thanh niên và toàn thể dân tộc một lý tưởng Anh Hùng, vì nếu có những kẻ ngã qụy và bị tiêu diệt, thường không phải vì quá bạo dạn. Chối từ nghĩa khí Anh Hùng, do dự bất quyết, biện luận mông lung giữa trận mạc, bao nhiêu thái độ xô đẩy cá nhân cũng như dân tộc tới tình trạng suy tàn, diệt vong. Đó là một sinh thái khắc khe của tạo vật, các chủng loại hèn yếu sẽ bị các chủng loại hùng mạnh tiêu diệt.
Lý tưởng NHÂN VỊ cô lại trong ý nghĩa:
Anh hùng tự lập và tự tạo thời thế.
Mỗi người Việt Nam phải là một anh hùng.
Trong Thông Điệp ngày Song Thất năm 1961, Tổng Thống Diệm nói về chủ nghĩa Nhân Vị như sau:
- Đương đầu với lối tự do Tư Bản chia cách người với người và khiến người trở thành tù đầy cho lòng vị kỷ.
- Đương đầu với đường lối Mác-Xít, hạ giá con người xuống mức dụng cụ sản xuất.
- Chủ Nghĩa Nhân Vị bảo vệ tự do cá nhân lẫn lợi ích công cộng. 

THÀNH LẬP: Sau khi hoàn thành công trình nghiên cứu và hình thành Chủ Nghĩa Nhân Vị Á Đông và Học Thuyết Xã Hội Nhân Bản, ông Ngô Đình Nhu tiến tới việc thành lập một tổ chức tập họp, huấn luyện cán bộ, ngõ hầu thực hiện công cuộc cải tổ xã hội Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa và học thuyết này. Mục đích chính yếu trong chương trình cải tổ xã hội của ông là thiết lập sự tôn trọng phẩm giá con người và giá trị lao động về mặt tinh thần cũng như vật chất cho hai giai cấp vốn bị coi là thấp hèn nhất trong xã hội Việt Nam, đó là giới Nông Dân và Công Nhân. Do đó, khởi đầu ông đặt tên cho tổ chức này là Đảng Công Nông. Nhưng một thời gian ngắn sau, nhận thấy danh xưng này không nói lên được đầy đủ ý nghĩa, tôn chỉ của tổ chức, nên ông đã đổi tên Đảng Công Nông thành Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng.

Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng với tôn chỉ:

NHÂN VỊ + CỘNG ĐỒNG= ĐỒNG TIẾN

Nhằm mục đích thực hiện một cuộc cách mạng cải tạo xã hội Việt Nam, giải quyết tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm tiến, đem lại cho Con Người phẩm giá phải có của mình, và cho giới lao động giá trị đích thực của họ. Phân chia một cách công bằng và hợp lý quyền lợi giữa nhân vị và cộng đồng. Xây dựng một Chế Độ Dân Chủ Xã Hội không Cộng Sản cho Việt Nam,  tạo điều kiện tiến bộ đồng đều cho cá thể cũng như tập thể.
Sau khi thành lập Đảng Cần Lao Nhân Vị, năm 1950 ông Ngô Đình Nhu đã mở một lớp huấn luyện đầu tiên tại Đà Lạt, đào tạo một số cán bộ làm nòng cốt, nhằm quảng bá Chủ Nghĩa và thực hiện Học Thuyết ông đề ra (Hai cán bộ được đào tạo trong khóa huấn luyện đầu tiên này hiện định cư tại Hoa Kỳ là ông Đỗ La Lam, ở Thành Phố Baton Rouge, Louisana và ông Nguyễn Hữu Khai. Ông Khai qua đời vào trung tuần tháng giêng 2002 ở Thành Phố Santa Ana, County, California). Đường lối đấu tranh của Đảng được ông tóm tắt và hệ thống hóa theo Lược Đồ Một Cuộc Cải Tổ Cơ Cấu Xã Hội, được phổ biến trong số ra mắt tạp chí Xã Hội, tháng 12.1952.
TỔ CHỨC: Trước khi được tổ chức thống nhất thành Đảng Cần Lao Nhân Vị, tiền thân của Đảng tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam là những phong trào, nhóm hoạt động ủng hộ đường lối đấu tranh dành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước, chống lại cả hai chủ nghĩa: Thực dân và Cộng Sản, của ông Ngô Đình Diệm.
Tại miền Bắc, có Phong Trào Dân Chúng Liên Hiệp hoạt động ủng hộ ông Ngô Đình Diệm với các nhóm của các Linh Mục Nguyễn Văn Bằng, Lê Sương Huệ, Nguyễn Văn Thuyết,  với các ông Nguyễn Đắc Am, Lê Quang Tĩnh, Thái Văn Long tức Nguyễn Tiến Lục, Hoàng Văn Bá, cô Tuyết, ông Nguyễn Văn Thuận, Dương Thiện Trù v. v. . . Và các tổ chức chống cộng,  ủng hộ đường lối đấu tranh của ông Diệm như tổ chức của Thượng Tọa, nay là Hòa Thượng Thích Tâm Châu, của ba Hội Cựu Chiến Binh Cứu Quốc của các ông Bạch Văn Sâm, Trần Xuân Diên và Nguyễn Văn Mẫn.
Ở miền Trung thì nồng cốt là nhóm đồng chí và đệ tử của Cụ Phan Bội Châu như ông Võ Như Nguyện. . . và nhóm người thường quy tụ xung quanh ông Ngô Đình Diệm sau khi ông từ chức Thượng Thư Bộ Lại như các ông Nguyễn Hữu Khai, Tôn Thất Trạch, Nguyễn Đôn Duyến, Trần Văn Hướng, Nguyễn Đình Cẩn. Sau có thêm nhóm quân nhân thời pháp như các ông Lê Khương, Phùng Ngọc Trưng,  Đỗ Mậu v. v. . .
Tại miền Nam có nhóm trí thức từng sinh hoạt với ông Ngô Đình Nhu, và tán thành đường lối đấu tranh của ông Diệm, tức nhóm Tinh Thần, với các Bác Sĩ Trần Văn Đỗ, Nguyên Tăng Nguyên, các ông Trần Quốc Bửu, Lê Văn Đồng, Huỳnh Hữu Nghĩa v. v. . .
Khi đảng Cần Lao Nhân Vị được thành lập, năm 1950, phần đông các tổ chức và những thành phần trên đây đều là cơ sở, đảng viên đầu tiên của Đảng.
Đến đầu năm 1954 Đảng bắt đầu phát triển mạnh, đặc biệt là trong hàng ngũ Quân Đội tại miền Trung. Cố Trung Tá Nguyễn Văn Châu, khi ấy là Trung Úy thuộc Phòng Quân Nhu Quân Khu II, người được Linh Mục Lê Sương Huệ tiến cử làm liên lạc viên cho ông Ngô Đình Diệm, thời gian ông bị ông Hồ chí Minh quản thúc tại Hà Nội (1946), được ông Ngô Đình Cẩn,  với tư cách Bí Thư của Đảng, giao nhiệm vụ tổ chức đảng trong Quân Đội.
Đảng được tổ chức theo hệ thống, trên hết là Trung Ương Đảng, kế đến là:
Phía Dân Sự: Liên Khu, Khu, Tỉnh, Quận và Chi Bộ.
Phía Quân Sự: Quân Ủy, Khu, Sư, Liên Chi, Chi Bộ và Tổ.
Phía Quân Sự, một cuộc họp Đại Biểu Đảng trong toàn quân được tổ chức tại Nha Trang vào hạ bán niên 1955, do Trung Tá Đỗ Mậu khi ấy là Chỉ Huy Trưởng Phân Khu Duyên Hải phụ trách. Tại Đại Hội này, một Quân Ủy đã được thành lập với tên gọi là Quân Ủy Lê Lợi. Đại Hội cũng bầu ra Ban Chấp Hành đầu tiên của Quân Ủy Lê Lợi với Bí Thư là Tướng Lê Văn Nghiêm, bí danh Minh Sơn. Ông Ngô Đình Nhu, từ Sài Gòn ra dự buổi họp bế mạc với tư cách Tổng Bí Thư, chấp nhận thành phần Ban Chấp Hành Quân Ủy và chứng kiến lễ huyết thệ tuyệt đối trung thành với Lãnh Tụ Ngô Đình Diệm và Đảng của tất cả các đảng viên tham dự cuộc họp. Năm 1957, khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm ra lệnh cấm mọi sinh hoạt chính trị trong Quân Đội, Quân Ủy Đảng Cần Lao đã được ngụy trang dưới bí số B5 (Ban 5).
THỰC TRẠNG: Trong những năm đầu (1954-1960) đảng sinh hoạt đều đặn, nội dung sinh hoạt tương đối có chất lượng về các mặt xây dựng cán bộ, cơ sở đảng và chính quyền.  Nhưng từ năm 1961, sinh hoạt của đảng mỗi ngày mỗi lỏng lẻo, rời rạc. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là vì:
1.  Từ khi được thành lập đến khi nắm được chính quyền là một thời gian quá ngắn.  Hầu hết cán bộ, đảng viên chưa học hỏi kinh nghiệm sinh hoạt đảng phái, chưa từng trải những khó khăn, gian nguy trong tranh đấu.
2.  Ngay sau khi Lãnh Tụ Ngô Đình Diệm vừa nắm chính quyền, các vị lãnh đạo cũng như cán bộ, đảng viên mọi cấp đã bị công tác đối phó với những khó khăn thời cuộc cuốn hút hết thời gian. Công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ không được thực hiện đúng quy định và yêu cầu.
3.  Trong thời gian tình hình đất nước nổi lên quá nhiều khó khăn (1954-1956), một phần chi phối bởi nhu cầu đối phó với tình hình, phần khác cũng do một số cán bộ mắc bệnh chủ quan, thiếu thận trọng. Nên việc kết nạp đảng viên thường căn cứ vào cấp bậc, chức vụ hoặc tình cảm mà bỏ qua nguyên tắc điều tra lập trường, thử thách đạo đức trong một thời gian cần thiết, trước khi chính thức kết nạp.
Tình trạng kết nạp đảng viên lệ thuộc vào tình hình và phần nào thiếu thận trọng trên đây đã tạo cơ hội cho một số bọn ‘’thời cơ chủ nghĩa’’ lọt được vào đảng với mục đích bảo vệ quyền lợi cá nhân hơn là lý tưởng. Sau khi lọt được vào Đảng, để củng cố uy thế, mưu lợi cá nhân, nhóm này thường khoa trương ‘’nhãn hiệu’’ Cần Lao và để tỏ ra là một đảng viên trung thành, họ hay có những hành động thiếu ý thức đối với các đảng phái khác và những người có tư tưởng không đồng nhất với chính quyền. Hành động của nhóm người này cộng với tác phong của chú ngựa chở sắc phong Thành Hoàng về làng của một vài cán bộ được Tổng Thống Diệm tín nhiệm, đã góp phần không nhỏ vào việc tạo ra nguyên nhân làm cho một số người bất mãn với chế độ. Đồng thời làm cho người bàng quan lầm tưởng rằng Tổng Thống Diệm dùng Đảng Cần Lao khống chế chính quyền. Vì thực ra, tuy được tôn là Lãnh Tụ của Đảng, nhưng ông Diệm hoàn toàn không biết gì đến Đảng Cần Lao. Từ ngày đầu trong cuộc đời tranh đấu của ông, ông luôn giữ lập trường phải đứng trên các đảng phái để đoàn kết được toàn lực quốc gia. Ông không dành một đặc quyền nào cho đảng viên Đảng Cần Lao. Chính vì thế mà số đảng viên vào đảng vì lợi và danh đã trở lại giết ông vì ông không thỏa mãn sự thèm khát danh và lợi của họ.
4.  Thêm vào những yếu tố trên đây, lệnh cấm mọi sinh hoạt chính trị trong Quân Đội của Tổng Thống Diệm đã ảnh hưởng quá mạnh trên các tổ chức và sinh hoạt của đảng. Do lệnh này (1957), Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia trong Quân Đội phải giải tán, các cơ sở sinh hoạt Đảng Cần Lao ở mọi cấp trong Quân Đội đều phải ngụy trang. Vin vào tình trạng này, nhiều cơ sở đảng đã dần dần lơ là hẳn với nhiệm vụ sinh hoạt bồi dưỡng tinh thần cán bộ.
Riêng về tình trạng phân hóa của Đảng Cần Lao tại miền Nam, có dư luận cho rằng ông Ngô Đình Cẩn gây ra tình trạng này. Vì muốn mở rộng ảnh hưởng vào miền Nam, ông Cẩn đã lập một Đảng Cần Lao riêng chống lại Đảng Cần Lao của ông Nhu. Sở dĩ có dư luận này là vì vào khoảng năm 1958-1959, ông Cẩn có chấp thuận cho ông Phan Ngọc Các tổ chức thâu nhận đảng viên cho Đảng Cần Lao tại miền Nam. Nhưng không phải để chống lại ông Nhu.  Đó là điều tôi biết chắc chắn. Vì khi ông Cẩn sai tôi đưa ông Phan Ngọc Các đến giới thiệu với các ông Mai Ngọc Dược Tỉnh Trưởng Long An, Trương Hữu Diệp Tỉnh Trưởng Mỹ Tho,  Lương Duy Ủy Tỉnh Trưởng Vĩnh Bình, là những đảng viên Cần Lao được chuyển từ miền Trung vào, ông đã căn dặn tôi lưu ý các vị này rằng, các cơ sở ông Phan Ngọc Các tổ chức được, đều phải sinh hoạt trong hệ thống Tỉnh Đảng Bộ địa phương. Khi đã được sự chấp thuận của ông Cẩn và được giới thiệu với một số địa phương rồi, ông Các tự xưng là đại diện cho ông Cẩn tại miền Nam làm nhiều việc tai tiếng cho ông Cẩn và chế độ. Đó chỉ là hậu quả của phương pháp làm việc NGĂN CÁCH của ông Cẩn, vì không ai kiểm soát được ông Các để ngăn chận những hành động bất chính của ông ta.
Trước tình trạng trên đây của Đảng Cần Lao, đầu tháng 7. 1961, ông Ngô Đình Nhu ra Huế ở lại mười ngày. Sau đó, tôi được biết có kế hoạch tổng cải tổ và thành lập một Đảng Cần Lao mới, cấp tiến và chặt chẽ hơn. Tại miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần, đã tiến hành ngay cuộc rà soát lại tình trạng nội bộ Đảng, để sẵn sàng thực hiện kế hoạch. Nhưng rồi tình hình biến chuyển quá nhanh, kế hoạch này đã không thực hiện được.
Đến đây, theo lời yêu cầu của nhiều đảng viên Cần Lao cũ từ nhiều nơi đòi hỏi, sau khi họ đọc cuốn tự truyện của Tướng Tôn Thất Đính. Tôi cần phải làm sáng tỏ việc Tướng Đính gia nhập Đảng Cần Lao, và về tổ chức ‘’Quân Ủy Cần Lao’’, được ông đề cập đến trong tự truyện 20 Năm Binh Nghiệp của ông. Vì nó đã được viết một cách thiếu rõ ràng, không chính xác. Hơn nữa còn chất chứa nhiều ác ý.
A.  Tại Chương IV, ông kể lại cuộc lễ tuyên thệ gia nhập Đảng Cần Lao của ông. Tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu tại sao Tướng Đính lại có thể kể lại một buổi lễ tuyên thệ không hề có như thế.
Ông Đính nói rằng, buổi lễ tuyên thệ được tổ chức một cách bí mật cuối năm 1957, tại một biệt thự gần Trường Thiên Hựu (Providence), trụ sở bí mật của Đảng Cần Lao, do Đại Úy Lê Quang Tung tổ chức và hướng dẫn ông. Tại trụ sở bí mật này ông thấy:
‘’Một bàn thờ Tổ Quốc rất lạ lùng: Quốc Kỳ và Đảng Kỳ dược treo song song, nhưng Đảng Kỳ gồm hai màu xanh lá cây và đỏ. Trên bàn thờ có tượng Chúa Gêssu, chân dung của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và một bộ tam sên cùng một thanh gươm’’. (20 Năm Binh Nghiệp. Trang 86)
1.  Từ cuối năm 1956, Đại Úy Lê Quang Tung đã được lên Thiếu Tá và mang luôn cấp bậc Trung Tá giả định, vào nhận chức Giám Đốc Tổng Nha Nghiên Huấn Bộ Quốc Phòng thay thế Đại Tá Lê Văn Lung tại Sài Gòn. Làm sao cuối năm 1957 còn Đại Úy Lê Quang Tung nào ở Huế hướng dẫn và tổ chức lễ tuyên thệ cho ông? Trường hợp Tướng Đính có được ông Cẩn đặc cách cho tuyên thệ gia nhận Đảng, thì Bí Thư cơ sở Đảng tại Sư Đoàn I Bộ Binh khi ấy là cựu Đại Tá Hồ Ngọc Tâm và tôi, trong nhiệm vụ Ủy Viên Thường Trực Khu Bộ Trần Hưng Đạo (Cơ sở Đảng Cần Lao tại Quân Khu II, sau đổi thành Quân Đoàn I Vùng I Chiến Thuật), không thể không được biết.
2.  Một điểm khác nữa. Từ đầu năm 1956, khi ông Ngô Đình Cẩn chính thức mở Văn Phòng Cố Vấn Chỉ Đạo, tại văn phòng này đã dành trọn tầng lầu hai, thiết trí một bàn thờ Tổ Quốc rất trang trọng và rộng rãi. Mọi cuộc lễ tuyên thệ của các đảng viên có cấp bậc và chức vụ cao, hành chánh cũng như quân sự, đều được tổ chức tại đây, như trường hợp Tướng Đôn tôi vừa kể lại ở trên. Làm sao Tướng Đính lại phải tuyên thệ tại một ‘’trụ sở bí mật’’ với bàn thờ Tổ Quốc có ảnh Chúa Gêssu trên đó?
3.  Thật ra Tướng Đính đã được tuyên thệ gia nhập Đảng Cần Lao từ tháng 9. 1956,  ngay trong tư dinh của ông, trước nhà ga xe lửa Đà Nẵng, khi ông đang là Tư Lệnh Sư Đoàn II Bộ Binh. Sau lễ tuyên thệ, cơ sở Đảng tại Sư Đoàn đã đãi ông bữa tiệc thịt dê nữa. Người đứng tổ chức buổi lễ tuyên thệ này cho ông, và tiệc mừng đồng chí Văn Anh là cựu Đại Úy Lê Tuệ Tĩnh, có bí danh là Lê Hùng Phong, hiện định cư tại Thành Phố Lakewood, Colorado. Đồng chí Lê Hùng Phong sau này là Ủy Viên Thường Trực Sư Bộ Trần Quốc Toản, tức cơ sở Đảng Cần Lao tại Sư Đoàn II Bộ Binh. Không biết Tướng Đính còn nhớ ‘’đồng chí’’ này của ông không? Nhiều đảng viên Cần Lao tại Sư Đoàn II Bộ Binh khi trước, hiện định cư tại California và một số Tiểu Bang khác, đã yêu cầu tôi phải làm sáng tỏ những điều Tướng Đính nói không đúng.
Tại sao Tướng Đính lại có thể quên một cuộc lễ tuyên thệ mà ông được trân trọng như thế, để tưởng tượng ra một cuộc lễ tuyên thệ với những chi tiết không đúng sự thật một cách thiếu đứng đắn như vậy? Để làm gì?
B.  Trong Chương VI, Tướng Đính nói Quân Ủy đã họp mật ở Ban Mê Thuột vào tháng 3/1962, ‘’phân phối quyền Tư Lệnh’’ Quân Khu cho bốn Tướng, Nghiêm,  Đính, Khánh,  Cao. Trong khi Quân Ủy chính thức và duy nhất của Đảng Cần Lao khi ấy chỉ còn cái tên, với người phụ trách là cố Đại Tá Lê Quang Tung, và hai Ủy Viên là cố Trung Tá Phạm Thứ Đường và cựu Đại Tá Trần Khắc Kính, đều không hoạt động gì từ cả năm trước.
Rồi trong Chương kế tiếp ông nói, trong bốn Tướng này.
‘’thì riêng có Tướng Lê Văn Nghiêm là không thuộc Đảng Cần Lao, và ông chưa bao giờ tham gia vào bất cứ một sinh hoạt nào của Quân Ủy, từ khi cầm quyền chỉ huy các đại đơn vị cho đến lúc bấy giờ’’. (20 Năm Binh Nghiệp. Trang 224)
C.  Đến Chương XI, được ông dành riêng cho ‘’Quân Ủy Cần Lao’’ với các mục ‘’Quân Ủy quyết định ra tay’’ gọi Phật Giáo là ‘’bọn nội thù’’, ‘’Cần Lao biểu dương quyền lực’’, ‘’Kế hoạch tấn công Phật Giáo’’, ‘’Cuộc đánh phá Chùa chiền’’ v. v. . . Cái Quân Ủy này lại còn ra cả ‘’văn bản mật’’ chỉ thị cho Quân Đội, Công An, Cảnh Sát đánh phá Chùa chiền.  Tướng Đính nói, sau khi tuyên hệ gia nhập Đảng, ông được bổ sung vào Quân Ủy. Việc này tôi nghĩ là không có. Và nếu có như ông nói, thì ông có chịu trách nhiệm về những quyết định ông vừa kể trên đây của cái Quân Ủy mà ông là Ủy Viên không?
Tôi không biết các Chương, Mục trên đây do ông tự viết hay nó đã được ai viết thay cho ông? Nếu Tướng Đính tự viết những Mục và Chương này, thì không lẽ trí nhớ của ông đã suy tàn đến độ, không những đã quên ngày và nơi ông được tuyên thệ gia nhập Đảng Cần Lao.  Ông còn không nhớ cả việc ông đã lấy làm ‘’hết sức vinh dự’’, được hướng dẫn Đoàn Đại Biểu Đảng Cần Lao tại Cao Nguyên về dự họp Đại Hội Đảng Toàn Quân tổ chức tại Nha Trang cuối năm 1955. Mặc dầu khi ấy ông mới chỉ là một đảng viên dự bị với bí danh là Văn Anh. Ông cũng không nhớ cả việc trong cuộc Đại Hội này, ông Đỗ Mậu, khi ấy là Trung Tá,  người trách nhiệm tổ chức Đại Hội, đã giới thiệu ông với Đại Hội: ‘’Đồng chí Văn Anh thời xưa thân Tây, Pháp rất tin cậy. Nguyễn Văn Hinh khi phải ra đi đã nói với đồng chí ‘’À bientôt’’ (Thời gian ngắn nữa sẽ gặp lại). Nhưng bây giờ đồng chí hoàn toàn khác rồi’’. Điều đặc biệt là ông cũng không nhớ rằng: ‘’Toàn thể Đại Biểu tham dự cuộc Đại Hội này, trong đó có ông, đã giơ tay bầu đồng chí Minh Sơn tức Tướng Lê Văn Nghiêm, Tư Lệnh Quân Khu II,  Bí Thư Khu Bộ Trần Hưng Đạo’’ vào chức vụ Bí Thư Quân Ủy. Mặc dầu Tướng Nghiêm không có mặt trong cuộc Đại Hội.
Đây là Quân Ủy duy nhất được bầu lần đầu tiên, và cũng là lần sau hết. Những người trong đoàn Đại Biểu của Đảng tại Quân Khu I tham dự Đại Hội này như các cựu Đại Tá Trần Khắc Kính, Nguyễn Ngọc Khôi v. v. . . hiện ở Orange County, California. Ông Đính cũng quên luôn cả việc tất cả mọi người tham dự Đại Hội, trong đó có ông, đã huyết thệ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Lãnh Tụ Ngô Đình Diệm.
Những người từng là Ủy Viên trong Ban Chấp Hành và từng giữ chức Ủy Viên Thường Trực Quân Ủy Cần Lao từ khi nó được khai sinh, như cựu Đại Tá Trần Khắc Kính, cố Trung Tá Phạm Thứ Đường, đã hết sức ngạc nhiên về những điều Tướng Đính nói về Đảng và Quân Ủy Cần Lao trong hồi ký của ông. Cố Trung Tá Phạm Thứ Đường lúc còn sinh thời, khi nói đến vụ Quân Ủy họp tại Ban Mê Thuột đã xác nhận với tôi: ‘’Quân Ủy khi ấy còn ai nữa đâu mà họp’’.
Sau cuộc đảo chánh 1. 11. 1963, người dân miền Nam được nghe một danh từ bậm trợn: ‘’Cần Lao Công Giáo’’. Danh từ này được ‘’sáng chế’’ nhằm thực hiện một âm mưu thâm độc, phá vỡ khối đoàn kết quốc gia, đặc biệt giữa hai tôn giáo lớn: Công Giáo và Phật Giáo.  Âm mưu này đã được nhóm đảng viên Cần Lao phản Đảng nhanh chóng phụ họa sử dụng và phổ biến, để che đậy và khỏa lấp tội phản bội của họ.
Đọc những gì được viết về Đảng Cần Lao, đặc biệt Mục viết về ‘’Nhập Đảng Cần Lao’’ và Chương viết về ‘’Quân Ủy Cần Lao’’ của Tướng Tôn Thất Đính, tức đảng viên Cần Lao cao cấp Văn Anh, người ta không thể không nghĩ rằng nó đã được viết theo sự chỉ đạo của âm mưu này.
Vì nếu quả thực có một tổ chức Cần Lao Công Giáo được các vị Lãnh Đạo Đệ I Cộng Hòa Việt Nam tín cẩn hơn, thì liệu các đảng viên Cần Lao cao cấp không Công Giáo, Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Ngọc Lễ (tôi quên bí danh) Văn Anh Tôn Thất Đính, Hoành Linh Đỗ Mậu. . . có được giao cho nắm giữ những chức vụ quan trọng tín cẩn nhất để nhờ đó,  được yên ổn thực hiện thành công âm mưu đảo chánh, giết Lãnh Tụ ngày 1.11.1963 không?
Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng, tuy chỉ nắm chính quyền trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng là đảng chính trị đầu tiên đã có công lãnh đạo toàn dân thu hồi Độc Lập hoàn toàn và Chủ Quyền trọn vẹn cho đất nước. Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng phục vụ những giá trị, quyền lợi đích thực của Con Người, của Tổ Quốc với một Lý Tưởng và một Tôn Chỉ cao đẹp (NHÂN VỊ, CỘNG ĐỒNG, ĐỒNG TIẾN) mà ngày nay đang được một số nhà Lãnh Đạo hàng đầu thế giới đề cập tới. Làm sao thiết lập được một Xã Hội mà trong đó, cá nhân mỗi con người (nhân vị) phải được tôn trọng, không bị lợi dụng để che đậy cho chủ trương Cá Nhân Chủ Nghĩa (Tư Bản) biến con người thành lợi khí phục vụ cho quyền lợi vị kỷ. Một Xã Hội mà trong đó, tập thể (cộng đồng), không được dùng làm bình phong che đậy mưu đồ nô lệ hóa con người, để phục vụ cho quyền lợi phe phái (Cộng Sản).
Vì thế, tôi rất đồng ý với những lời ông Huỳnh Văn Lang, trong tư cách Bí Thư, ghi tặng tập ba hồi ký Nhân Chứng Một Chế Độ cho các đồng chí trong Liên Kỳ Bộ cần Lao Nam Bắc Việt của ông sau đây:
‘’Nếu chưa phải là sự hãnh diện, thì chắc chắn không bao giờ là sự tủi hổ, mà vẫn luôn luôn thân tình vì đã một thời cùng chung một lý tưởng xây dựng’’. (Nhân Chứng Một Chế Độ.  Tập Ba. Trang 3)
Đúng vậy. Tuy bị phản bội từ nhiều phía và sự non yếu của tổ chức, không thực hiện được Lý Tưởng của mình, Tôn Chỉ của Đảng. Nhưng đối với các đảng viên chân chính của Đảng Cần Lao, ‘’nếu chưa phải là sự hãnh diện, thì chắc chắn cũng không bao giờ là sự tủi hổ’’, vì luôn tôn thờ một ‘’Lý Tưởng Xây Dựng’’ thật sự Cao Đẹp, và hết lòng phục vụ Đất Nước, Dân Tộc theo một Tôn Chỉ mà cho đến nay vẫn là tối hảo.
Hy vọng với phần tóm lược ngắn gọn của ông Ngô Đình Nhu về Chủ Thuyết Nhân Vị Á Đông, và phần lược thuật về thực trạng của Đảng Cần Lao trên đây, có thể cống hiến được cho quý độc giả một ý niệm khái quát về Chủ Thuyết nói trên và một cái nhìn đúng đắn về Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng.
Chủ nghĩa Nhân Vị Á Đông và học thuyết Xã Hội Nhân Bản được các nhà lãnh đạo Đệ I Cộng Hòa dùng làm nền tảng xây dựng một chế độ Dân Chủ Xã Hội không Cộng Sản cho Việt Nam. Một chế độ mà mục đích tối hậu là gỡ bỏ mọi hình thức thống trị, thiết lập công bằng xã hội, tôn trọng nhân phẩm.
Qua tập hồi ức quý độc giả đã thấy Tổng Thống Diệm và ông Cố Vấn Nhu công khai nói về hình thái và bản chất của chế độ này, đặc biệt trong phần ông Nhu nói về chủ nghĩa Nhân Vị Á Đông.
Sau khi ổn định tình hình chính trị cùng lúc ông định nơi sinh sống cho hơn một triệu đồng bào từ miền Bắc di cư vào, cả hai công việc đã được hoàn tất tốt đẹp ngoài sự ước tính của mọi người, được cả thế giới khâm phục, công cuộc xây dựng Chế Độ Dân Chủ Xã Hội không Cộng Sản cho Việt Nam được thực hiện trong tinh thần một cuộc Cách Mạng Cải Tạo Xã Hội. Trong hoàn cảnh đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị của ngoại bang suốt thời gian dài cả ngàn năm, đời sống dân chúng nghèo nàn, lạc hậu cả về tinh thần lẫn vật chất, tệ đoan và bất công xã hội chồng chất, việc thực hiện cuộc Cách Mạng này đã được chia ra nhiều giai đoạn.
Trước hết là xây dựng tinh thần và cơ sở căn bản.
Thành lập các tổ chức bảo vệ quyền làm việc, công nhận giá trị lao động, quyền hưởng thụ lợi phúc chung một cách công bằng của giới công nhân.
Cải tiến quy chế đã có, soạn quy chế mới quy chế chưa có dành cho các nghiệp đoàn,  các giới chức, các ngành nghề chuyên biệt. Cải tổ các chương trình giáo dục phổ thông, đào tạo cán bộ quân sự, hành chánh, trên căn bản Quốc Gia hoàn toàn độc lập có chủ quyền.
Thực hiện Chương Trình Phát Triển Cộng Đồng, chính phủ cung cấp phương tiện, nhân dân đóng góp công sức thực hiện các tiện nghi công cộng: Bệnh Xá, Nhà Hộ Sinh, Trường Học cho các Cộng Đồng Xã Ấp, tu mở, khai mở hệ thống giao thông thủy, bộ từ những Xã Ấp nhỏ bé xa xôi nhất đến cácThị Trấn, Thị Xã. Chương Trình nhằm đem đến cho nông dân từ những vùng hẻo lánh nhất, các tiện nghi tối thiểu của đời sống, tạo điều kiện cho họ tiếp xúc với nếp sống văn minh tiến bộ hơn, dễ dàng chuyên chở sản phẩm làm ra đến thẳng các nơi tiêu thụ để khuyến khích phát triển kinh tế cá thể, và tạo cho họ cơ hội tự quản trị những công trình đã thực hiện được với sự trợ giúp của chính phủ.
Sau đó, chính sách cải cách điền địa được ban hành, trưng mua ruộng đất của điền chủ phân chia cho tá điền. Thực hiện kế hoạch cân bằng mật độ dân chúng với tài nguyên và diện tích canh tác. Các chương trình khu Trù Mật và Dinh Điền được tổ chức với phương châm ‘’đưa văn minh về nông thôn’’. Nghĩa là xây dựng nông thôn thành những trung tâm sinh hoạt với đầy đủ các tiện nghi cơ bản, Trường Học, Nhà Hộ Sinh, Bệnh Xá, Phòng Thông Tin, Chợ,  Nhà máy phát điện v. v. . . làm mô hình xây dựng xã hội Việt Nam sau này. Thực hiện hệ thống tưới nước ngọt, tiêu nước mặn để gia tăng diện tích canh tác.
Tiếp theo là tiến hành kỹ nghệ hóa đất nước.
Đường Xa Lộ biên Hòa được xây dựng, tái thiết đường xe lửa xuyên Việt và Quốc Lộ số I.
Điện khí hóa miền Nam với đập thủy điện Đa Nhim được xây dựng bằng tiền bồi thường chiến tranh của chính phủ Nhật Bản. Dự án xây cất đập thủy điện thứ hai tại Trị An đã được duyệt y (Địa điểm chính phủ Cộng Sản xây cất đập thủy điện hiện nay). Xây dựng khu kỹ nghệ Biên Hòa, nhà máy xi măng Hà Tiên.
Tại miền Trung, công cuộc khai thác mỏ than Nông Sơn tại vùng núi Quận Quế Sơn Tỉnh Quảng Nam phát triển mạnh. Chương trình điện khí hóa miền Trung với một đập thủy điện xây cất tại vùng đầu nguồn Sông Thu Bồn và dự án xây dựng khu kỹ nghệ An Hòa tại Quận Duy Xuyên Tỉnh Quảng Nam đã được chuẩn thuận. Dự án xây dựng nguồn điện lực thứ hai cho miền Trung với một nhà máy nhiệt điện vận hành bằng nguyên liệu từ mỏ than Nông Sơn và một số nhà máy sản xuất phân bón, tơ sợi, lắp ráp xe đạp tại Quảng Nam, nhà máy đường tại Quảng Ngãi cũng đã được duyệt y.
Thành lập Nguyên Tử Lực Cuộc. Xây cất lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt.
Cuối cùng là ‘’Ấp Chiến Lược’’ được xây dựng để xây đắp nền móng vững chắc có thể chế dân chủ từ hạ tầng xã ấp trở lên, sắp đặt lại nấc thang giá trị trong xã hội. Từ cổ xưa,  Binh được xếp hàng cuối cùng trong nấc thang giá trị của xã hội. Nay Binh (gồm tất cả những người trực tiếp đánh các thứ giặc: Chia rẽ, Chậm tiến, Cộng Sản) đứng hàng thứ nhất trong nấc thang giá trị của xã hội. Gia đình họ đứng hàng thứ hai và Bần cố nông đứng hàng thứ ba.  Đồng thời áp dụng binh thư binh pháp mới hạ thấp dần mức độ chiến tranh, giảm bớt ngoại viện, hóa giải cuộc đụng độ giữa hai thế lực siêu cường: Tư Bản-Công sản.
Các chương trình nói trên sẽ được trình bày đầy đủ trong tài liệu Quốc Sách Ấp Chiến Lược.
Vì chủ trương một chế độ mà bản chất đi ngược lại với quyền lợi của cả hai thế lực siêu cường cùng đang hiện diện trên đất nước Việt Nam, nên anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị họng súng từ cả hai phía nhắm bắn.
Họ đã không được sống trong một xã hội Việt Nam giầu mạnh, công bằng, đoàn kết,  nhân phẩm được tôn trọng như lòng họ mơ ước, nhưng họ đã tạo dựng được một ‘’Tinh Thần Độc Lập với Chủ Quyền Quốc Gia Trọn Vẹn’’ như một gia tài trân quý của các thế hệ mai sau. 

THAY LỜI KẾT

Qua tập hồi ức nhỏ này, chúng tôi hy vọng đã cung cấp được cho quý độc giả một số dữ kiện, tuy nhỏ nhoi, nhưng hoàn toàn trung thực, liên quan đến những biến cố dẫn đến sự sụp đổ của Chế Độ Đệ I Cộng Hòa Việt Nam. Làm sụp đổ hoàn toàn một sách lược đang phục vụ dân tộc hữu hiệu, phù hợp với tình trạng đất nước. Và tiếp theo đó là hàng chuỗi biến động kéo dài nhiều năm, tạo ra tình trạng bỏ ngõ miền Nam, trong lúc cuộc chiến Quốc-Cộng đang ở trong giai đoạn gay go có tính cách quyết định.

Đón bắt ngay thời cơ. Bắc Việt núp dưới bóng cờ ‘’mặt trận giải phóng miền nam’’,  với sự trợ giúp của khối cộng, đưa lực lượng võ trang xâm nhập chiếm cứ nhiều vùng thôn quê, truy diệt các thành phần quốc gia chống cộng ở hạ tầng cơ sở xã ấp. Họ mở nhiều cuộc tấn công tàn bạo gây nhiều tổn thất vật chất và tinh thần cho Quân Đội và nhân dân miền Nam.  Trong khi đó, tại Thành Thị cảnh xáo trộn xảy ra mỗi ngày. Tình hình an ninh chung suy đồi đến mức nguy ngập.

Tình trạng chín mất một còn của miền Nam đem đến cho Đồng Minh Hoa Kỳ cơ hội đưa quân vào ‘’cứu gỡ’’ và điều khiển cuộc chiến. Đất nước Việt Nam biến thành võ đài của cuộc đọ sức Tư Bản-Cộng Sản kéo dài gần 12 năm, vì sự tranh giành quyền lợi và ưu thế chiến lược của các siêu cường. Một cuộc đọ sức tàn khốc đã cướp đi sinh mạng của 58000 thanh niên Hoa Kỳ, gần 5000 thanh niên các nước Đồng Minh Thái Lan, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn,  chưa kể số bị thương tật, Việt Nam Cộng Hòa hơn 220000 Chiến Sĩ hy sinh chưa kể số bị thương tật, gần 1. 500000 thường dân bị chết và bị thương nặng, nhẹ. Tại miền Bắc, theo sự tiết lộ của tướng Võ nguyên Giáp, tính đến sau trận Tết Mậu Thân (1968) quân đội miền Bắc đã bị thiệt hại 800000 người, chưa tính đến số bộ đội bị thương và số thường dân bị tử vong và thương tật, số này có tài liệu nói đến con số trên 3000000 người. Riêng Hoa Kỳ còn phải gánh chịu 300000 người thương tật, và chỉ tiêu trung bình mỗi ngày 1. 500000 đô la cho chiến trường Việt Nam vào thời điểm 1972.

Và cuộc đọ sức kinh hoàng này chỉ được chấm dứt, sau khi đất nước Việt Nam nhỏ bé đã phải hứng chịu một số bom đạn nhiều gấp 3 lần rưỡi số bom đạn Hoa Kỳ đã sử dụng trong trận Đệ Nhị Thế Chiến, và sự thống trị của chủ nghĩa Cộng Sản trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Sau khi đọc Bản Phúc Trình của Phái Đoàn Tìm Hiểu Sự Việc của Liên Hiệp Quốc về lời tố cáo vi phạm nhân quyền tại Việt Nam của chế độ Ngô Đình Diệm, Thượng Nghị Sĩ Thomas J.  Dodd Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ, đã viết thơ yêu cầu Thượng Nghị Sĩ Chủ Tịch Ủy Ban Nội Vụ cho phổ biến Phúc Trình này. Trong thơ có đoạn viết: ‘’Giờ đây chúng ta lại là nạn nhân của một sự lừa dối khác. . . ’’.
Chính sự lừa dối này và số người nhiều tham vọng nhưng ít lòng yêu nước, tự biến mình thành công cụ của các thế lực ngoại bang, đã đổ xuống trên đầu nhân dân Hoa Kỳ và nhất là nhân dân Việt Nam bất kể tôn giáo, đảng phái, Cộng Sản hay chống cộng, những thảm họa khủng khiếp kể trên.
Người Việt Nam luôn mang trong mình niềm Tự Hào là một Dân Tộc đã có hơn bốn ngàn năm Văn Hiến, một Dân Tộc có một kho tàng tinh thần vô giá: Luôn tôn trọng Lễ Giáo,  Hiền Hòa, yêu chuộng Hòa Bình và lẽ Công Bằng.
Đặt trên nền tảng Tự Hào và Tinh Thần ấy, chúng tôi hy vọng những dữ kiện được ghi lại trong tập sách nhỏ này sẽ được quý độc giả, đặc biệt là quý sử gia, các nhà nghiên cứu đón nhận như những đốm sáng. Đốm sáng tuy rất nhỏ, nhưng chúng tôi tin rằng nó có thể giúp cho công trình tìm kiếm, khám phá những Sự Thật còn bị ẩn giấu, che đậy mà quý vị đang tiến hành, được dễ dàng hơn, bớt được phần nào khổ nhọc. Và từ khám phá ấy quý vị sẽ có những nhận xét, phê phán công bằng, chính xác về:
- Thực chất những biến động được diễn biến dưới nhiều hình thức, được khởi sự từ những ngày tháng cuối cùng của chế độ Đệ I Cộng Hòa và cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. . .
- Hậu quả của những biến động ấy.
- Thủ phạm đã gây ra các biến động mở đầu những trang sử Việt Nam được viết bằng máu và nước mắt của hàng triệu con dân Việt Nam, của hàng trăm ngàn thanh niên, cô nhi quả phụ Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh. Và nó còn đem lại cho Hoa Kỳ mối nhục lịch sử: Lần đầu tiên bại trận kể từ khi lập quốc.
Theo thiển ý của chúng tôi, vì chỉ có những nhận xét, phê phán công minh của quý vị,  mới có đủ sức mạnh:
- Xua tan màn khói ‘’lừa dối’’ đã che phủ Sự Thật từ bao nhiêu năm qua.
- Hóa giải nỗi oan khiên của bao oan hồn mà hình hài đã bị vùi lấp rải rác khắp nơi, từ thành thị, thôn quê đến núi rừng, sông biển Việt Nam.
- Tái tạo tình đoàn kết ruột thịt giữa mọi người Việt Nam bất kể tôn giáo, tín ngưỡng đảng phái, giai cấp từ Nam chí Bắc.
- Giúp cho các thế hệ mai sau thấy được Sự Thật, tránh được những sai lầm của cha ông, xóa bỏ được những hận thù vô bằng do một âm mưu thâm độc được cả bạn lẫn thù hợp lực tạo ra. Nhờ đó, các thế hệ này có thêm vô tư, sáng suốt, không biến mình thành công cụ cho bất cứ thế lực nào trong khi gánh vác trách nhiệm phục vụ Quê Hương, Dân Tộc hay Tập Thể.
Được như vậy, Dân Tộc Việt Nam mới có được nguồn sức mạnh có khả năng triệt tiêu thủ phạm tạo ra cuộc sống tối tăm, tù hãm, bất công triền miên cho Dân, cho Nước. Tình trạng Nghèo đói, Lạc hậu, Chậm tiến.
Nhờ đó, tương lai Đất Nước mới mong thoát khỏi vòng lệ thuộc, và đồng bào mới được bảo đảm không bị vướng mắc vào những hệ lụy bi thảm một cách oan uổng.
Ước gì con dân Việt Nam ở khắp nơi sớm được thấy ngày Đại Phúc ấy. 
HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét