25
Đàm phán với bị can
Ngày 12 tháng 6 năm 2003, tôi và một số
người khác ở khu C được công an trại giam thông báo dọn đồ đạc chuyển đến khu
D. Khu nhà giam này nằm kế bên trong phòng làm việc của cán bộ quản lý, gồm một
tầng trệt và hai tầng lầu, các buồng giam nhỏ được xây dựng vững chắc, cũng có
đặt thiết bị kiểm soát y hệt như ở khu C. Từ buồng giam đi ra phòng hỏi cung,
phải đi qua bốn lớp khóa.
Mỗi buổi sáng, công an trực trại mở cửa
các buồng giam chừng vài tiếng đồng hồ hoặc đến chiều, tùy theo từng đối tượng
bị tạm giam. Mọi người ra bể nước nhỏ để tắm giặt, hàng hiên rộng chừng hai mét
vuông, có hàng rào bằng lưới thép. Thứ bảy, chủ nhật hay ngày lễ thì không được
mở cửa.
Ngày 25 tháng 6 năm 2003, tôi được mời ra
nhận cái gọi là quyết định đưa vụ án ra xét xử của tòa án Nhân
dân thành phố vào ngày 25 tháng 7 năm 2003. Chiều hôm ấy, tình cờ tôi trông
thấy bác sĩ Nguyễn Ðan Quế ở hành lang trước phòng cung. Ông là một nhân vật bất
đồng chính kiến đã từng bị chính quyền cộng sản cầm tù nhiều năm. Cao trào Nhân
bản do bác sĩ Nguyễn Ðan Quế sáng lập năm 1990, lên tiếng đòi hỏi đất nước Việt
Nam phải đi đến một nền dân chủ đa nguyên. Nay ông lại bị bắt giam vì tiếp tục
nói lên quan điểm chính trị của mình.
Tôi chuẩn bị tinh thần ra tòa vào ngày 25
tháng 7 năm 2003. Như thế, ròng rã mười hai tháng trời đằng đẵng, mọi người xem
như tôi đã bị mất tích ở Campuchia, người thân và bạn bè chẳng biết tôi còn
sống hay là đã chết, hoàn toàn biệt vô âm tín.
Trước đó chừng mấy hôm, công an trại giam
dẫn tôi ra phòng cung số 5, lầu 1. Tôi ngồi chờ một lát thì có mấy viên công an
mặc thường phục lần lượt bước vào phòng. Qua lời giới thiệu, tôi được biết ông
Bảy, ông Thanh, ông Tư Liêm, họ là những viên chức đứng đầu cục Bảo vệ chính
trị hay an ninh gì đó của bộ Công an, ông Hóa thường hay hỏi cung tôi hôm ấy
cũng có mặt. Sau khi thăm hỏi đôi câu xã giao lấy lệ, những viên công an này đi
ngay vào mục đích chính của buổi gặp gỡ hôm nay. Họ muốn tìm hiểu thái độ và
quan điểm của tôi trong phiên tòa sắp đến, mà tôi là bị cáo độc nhất.
Tôi nói chuyện một cách tự nhiên:
-
Thưa các ông, các ông muốn thăm dò ý tưởng của tôi trong phiên xử nay mai, tôi
sẽ nói gì? Sau khi đại diện viện Kiểm sát giữ quyền công tố đọc xong cái gọi là
bản cáo trạng, tôi sẽ nói rằng, phần mở đầu bản cáo trạng là bịa đặt, hoàn toàn
sai sự thật, nội dung mâu thuẩn với lời khai của tôi trong biên bản hỏi cung bị
can do cán bộ Hóa hiện đang có mặt ở đây lập bản cung. Trong các câu hỏi và đáp
được ông Hóa viết vào biên bản, tôi đã khai rằng, tôi bị bắt khoảng 19 giờ,
ngày 25 tháng 7 năm 2002 ở trước chợ Orussey, thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Thế
mà phần nhập đề trong cáo trạng lại viết rằng, vào hồi 8 giờ ngày 26 tháng 7
năm 2002, tại công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, cơ quan điều tra - bộ Công
an đã bắt, khám xét khẩn cấp đối với Phạm Văn Tưởng và phát hiện một giấy chứng
nhận tỵ nạn số 610 IC, do văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp Quốc cấp tại Phnom
Penh ngày 28 tháng 6 năm 2002. Xin các ông thử hỏi cán bộ điều tra đang ngồi
đây, tôi có nói thêm bớt gì không? Thứ hai, tôi sẽ khẳng định và tố cáo trước
tòa rằng, công an mật vụ dưới sự điều động của các ông đã tổ chức bắt cóc tôi ở Phnom Penh, trong lúc tôi được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị.
Ông Tư Liêm ngắt lời tôi:
- Tại sao ông nói là ông bị bắt cóc?
-
Tôi được quyền
cư trú trên lãnh thổ Campuchia dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc. Tôi đâu có vi
phạm pháp luật của vương quốc này mà bị các ông bắt về đây nhốt kỹ; bắt bớ một
cách ngang ngược như vậy, nếu không bảo là bắt cóc thì gọi là gì? Các ông hãy
trả lời đi.
Chẳng nghe ai lên tiếng, tôi bèn nói tiếp:
- Chính quyền cộng sản sắp sửa đưa tôi ra
tòa xét xử, thế mà cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa hề liên lạc được với thân nhân
từ ngày bị các ông bắt cóc. Người thân và bạn bè của tôi cũng chẳng biết tôi
còn sống hay là đã chết. Cả trại giam này có người nào rơi vào hoàn cảnh như
tôi không? Tại sao tôi bị tước đoạt quyền được gặp thân nhân theo luật pháp quy
định? Thử hỏi điều này có trái khoáy hay chăng? Thêm nữa, nay tôi yêu cầu được
gặp đại diện phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp
pháp của tôi tại phiên tòa, tòa án các ông phải có trách nhiệm thông báo cho tổ
chức này. Hôm nay, các ông đến đây tìm hiểu thử xem tôi sẽ nói gì trước hội
đồng xét xử, đó là tôi chỉ mới trình bày đôi điều đơn giản và nông cạn, chẳng
cần giấu giếm trong lòng làm gì.
Nói chuyện một hồi thì các ông ấy tạm kết
thúc buổi gặp gỡ. Ông Thanh đưa tôi xuống thang lầu. Trong khi chờ công an trực
trại mở khóa cửa ngách, ông ấy có nhắc đến việc trước đây ông có đến chùa Linh
Mụ và gặp Hòa thượng Thích Ðôn Hậu mấy lần.
Tôi chào tạm biệt rồi trở về buồng giam.
Ngày 24 tháng 7 năm 2003, cán bộ Nguyễn
Thành Ðồng vào gửi cho tôi thông báo hoãn phiên tòa, sẽ được đưa ra xét xử vào
ngày 1 tháng 8 năm 2003. Tôi nghĩ rằng, có lẽ chính quyền cộng sản đang gặp
điều bất lợi nào đó, nên phải ra lệnh cho tòa án dời lại ngày xử.
Sáng hôm sau, ngày 25 tháng 7 năm 2003,
cán bộ Hóa tháp tùng phó thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra (A24-B) là thượng
tá Thái vào trại giam B34 gặp tôi. Cũng kiểu cho có lệ, ông ấy hỏi thăm sức
khỏe và cuộc sống của tôi trong trại giam. Chúng tôi nói chuyện một cách cởi
mở.
Tôi thật tình nói với hai ông ấy rằng:
-
Cách nay vừa đúng ba trăm sáu mươi lăm ngày, chính quyền cộng sản Việt Nam tổ
chức bắt cóc tôi ở Campuchia đem về giam giữ nghiêm ngặt ở trại giam này. Theo
các văn bản tôi nhận được, viện Kiểm sát nhân dân tối cao ủy quyền cho viện
Kiểm sát thành phố thực hành quyền công tố đối với vụ án của tôi, vụ án “Trốn
đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”. Tôi vẫn biết, cái lý nằm trong
tay kẻ mạnh. Thế nhưng, tôi cũng xin thưa trước với các ông rằng, tại phiên tòa
ngày 1 tháng 8, tức vào tuần sau, tôi sẽ nói trước hội đồng xét xử, rằng thiển
nghĩ hôm nay quý tòa nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang
thẩm vấn và buộc tội tôi là bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa này là một
người vô quốc tịch. Tại sao tôi nói như vậy? Xin thưa, nhân thân tôi kể từ ngày
28 tháng 6 năm 2002 là một người không có quốc tịch, tôi được quyền tỵ nạn ở
vương quốc Campuchia do Liên Hiệp Quốc bảo vệ. Tôi đang chờ đi định cư ở một
đất nước thứ ba nào đó, khi ấy tôi sẽ nhập quốc tịch mới.
Nghe tôi nói như thế, hai ông ấy im lặng
mà không có ý kiến.
Thiếu tá Hóa thường hay đề cập đến sự việc
tôi viết bản phúc trình về hiện trạng tù nhân chính trị tại Việt Nam gửi Tổ
chức Theo dõi Nhân quyền, để cho các thế lực thù địch ở nước ngoài vin vào cớ
đó mà chống phá nhà nước, đồng thời hạ thấp uy tín chính phủ Việt Nam trên
trường quốc tế, nhằm tiến đến âm mưu diễn biến hòa bình.
Khi còn ở buồng giam đối sách, tình cờ tôi
đọc được bài viết đăng trên báo Công an thành phố, đặc san ra ngày thứ bảy
30.11.2002, tôi bèn nhắc lại cho hai ông ấy biết rằng:
-
Hội nghị về người tỵ nạn do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, gồm đại diện các quốc gia
vùng châu Á - Thái Bình Dương, được Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Hạ
Long, tỉnh Quảng Ninh, vào hạ tuần tháng 11 năm 2002, phái đoàn Việt Nam đã
định nghĩa, đại ý rằng: “Tỵ nạn là sự ra đi của người dân khi họ bị bức bách và
không thể nào sống được trên quê hương của họ…”. Thế mà nay chính quyền cộng
sản lại tổ chức bắt cóc tôi ở Campuchia đem về nước giam giữ nghiêm ngặt, có
phải chăng, cộng sản nói một đàng, làm một nẻo.
Nói chuyện linh tinh một hồi, thượng tá
Thái bảo tôi có đề đạt gì không, tôi chỉ đề nghị ban giám thị trại hãy mở cửa
cho tôi đến 3 giờ chiều, đỡ ngột ngạt phần nào. Lời đề nghị ấy được đáp ứng
ngay.
Buổi chiều ngày 31 tháng 7 nãm 2003, tôi
được thông báo dọn đồ đạc chuyển xuống buồng 16, tầng trệt, ở một mình. Làm vệ
sinh phòng ốc xong, tôi ăn cơm chiều rồi đọc nốt bài báo hồi trưa đang đọc dở.
Mãi đến khuya, tôi mới chợp mắt được một chút, có lẽ ngày mai ra tòa, nên ít
nhiều gì tôi cũng có suy nghĩ.
Ngày 1 tháng 8 năm 2003, tôi thức dậy khoảng
4 giờ sáng, như thường lệ, tôi tĩnh tâm niệm Phật rồi đi kinh hành một đỗi.
Sáng sớm, cứ chờ mãi chờ hoài, chẳng thấy công an trại giam vào mở cửa. Ðến 10
giờ, cán bộ vào phát cơm mới nói cho tôi biết, tòa án hoãn phiên xử hôm nay.
Tôi nghĩ, bây giờ chúng nó xử hay không xử, tôi cũng chẳng thèm quan tâm nữa.
Trưa đến, tôi “chạy xe” qua buồng giam anh bạn bên kia để mượn ít sách báo và
bộ Tây du ký về đọc lại. Ở đây, “chạy xe” bằng cách cột quả chanh vào đầu một
đoạn dây dài được làm từ túi ni-lông. Ném mạnh quả chanh lăn dọc theo đường đi
nhỏ hẹp bên ngoài lưới B40, người ở buồng bên kia dùng chiếc móc dài được vấn
bằng giấy báo để khều sợi dây vào, sau đó, cột túi sách báo, hoặc thức ăn hay
đồ dùng gì đó vào sợi dây cho người nhận hàng kéo về. Nếu lỡ không may bị cán
bộ bắt gặp là xem như vi phạm nội quy trại giam.
Cuối tháng 8 năm 2003, tôi được các người
thân trong gia đình đến thăm. Thế là ngót mươi ba tháng trời, bên ngoài mới hay
tin tôi vẫn còn sống và hiện đang bị giam ở đây.
Lần thứ ba, tôi lại nhận cái gọi là quyết
định xét xử vào ngày 5 tháng 9 năm 2003, thế nhưng đến ngày đó cũng lại hoãn
phiên tòa.
Trung tuần tháng 10 năm 2003, Tư Liêm
thuộc cục An ninh tôn giáo vào trại giam làm việc với tôi. Ông ấy nói cho tôi
biết rằng:
-
Hôm vừa rồi, Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ đã bị chính quyền ra lệnh quản
thúc vì đã có hành vi tàng trữ tài liệu bí mật quốc gia. Công an khám xét và
thu giữ các tài liệu bí mật này khi Thích Quảng Ðộ đi ngang tỉnh Khánh Hòa.
Tôi tuyệt không biết sự biến gì đã xảy ra
đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong những ngày qua, tuy nhiên
tôi vẫn phản bác:
-
Các vị Hòa thượng của chúng tôi làm sao có được tài liệu bí mật của nhà nước mà
cất giữ? Tài liệu bí mật ấy có hay chăng là do các viên chức chính quyền tiết
lộ ra ngoài, tại sao chính quyền không xử lý họ.
- Cơ
quan an ninh đang điều tra để lập hồ sơ xử lý các người này.
Trở về buồng giam, tôi cứ miên man suy
nghĩ, không biết chuyện gì đã xảy ra cho nhị vị Hòa thượng và chư Tãng. Hàng
tuần, tôi có gửi mua báo Giác Ngộ là cơ quan ngôn luận của Thành hội Phật giáo
(Giáo hội quốc doanh), để từ đó có thể tìm hiểu vấn đề.
Các số báo Giác Ngộ ra cuối tháng 11 và
đầu tháng 12 năm 2003 đăng bức thư của Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Chủ tịch Hội
đồng Trị sự Trung Ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - phản đối Nghị
quyết HR 427 đã được Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua ngày 19 tháng
11 năm 2003. Quốc hội Âu châu cũng đã thông qua Nghị quyết về Tự do tôn giáo ở Việt Nam vào ngày 20 tháng
11 năm 2003. Tôi suy đoán tình hình bên ngoài chắc có biến động.
Ðiều quái lạ xưa nay chưa từng thấy, Ðại
giới đàn Thiện Hòa tổ chức tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, lại biến thành
buổi mít-tinh phản đối Nghị quyết HR 427 của Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ. Các giới
tử đã bị ban Kiến đàn vâng mệnh chính quyền cộng sản đánh lừa. Hình ảnh và bài
vở về trò hề này đang rành rành ra đó, càng làm lộ rõ bộ mặt lọc lừa tráo trở
của bọn cộng sản độc tài toàn trị, mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện giờ chỉ
là công cụ chính trị cho chế độ này.
26
Trò hề xét xử
Thiếu tá Nguyễn Ðinh Hóa tuy đã hết trách
nhiệm điều tra vụ án, nhưng thỉnh thoảng ông ấy vẫn lui tới trại giam gặp tôi.
Với tư cách là cơ quan An ninh điều tra (A24 - bộ Công an), ông ấy luôn luôn
động viên tôi đừng nên làm cho tình hình vốn đã phức tạp, lại càng rắc rối thêm
tại phiên tòa xét xử tôi sắp đến.
Qua Tết Giáp Thân (2004), cục An ninh tôn
giáo (A41 - bộ Công an) tiếp tục đàm phán với tôi về nội dung đối chất tại
phiên tòa giữa tôi là bị cáo và Hội đồng xét xử. Tư Liêm đã dùng lời lẽ ôn hòa
nhiều lần thuyết phục tôi nên đặt quyền lợi đất nước lên trên, mà hãy gạt bỏ ra
ngoài mọi vấn đề ziczac - tôi viết đúng theo từ ngữ mà ông ấy sử dụng. Theo tôi
hiểu, ziczac là con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu; có lẽ chính quyền cộng sản
Việt Nam đang giẫm bước vào con đường gấp khúc ấy. Ông ta muốn nói với tôi
rằng, vấn đề ziczac ở đây nghĩa là tôi hãy nên bỏ qua sự việc tôi bị bắt cóc ở
Phnom Penh, không nên tranh luận dài dòng, càng gây thêm rối rắm. Nếu tôi bằng
lòng như thế, đáp lại, ông ấy sẽ họp bàn với tòa án trong nay mai, quyết định
sẽ trả tự do cho tôi sau phiên xử sẽ được ấn định vào một ngày gần đây. Sự việc
này càng chứng tỏ rằng, tòa án cũng chỉ là công cụ của đảng Cộng sản và hoàn
toàn xử theo ý đảng.
Bấy lâu nay, các viên chức bộ Công an đến
đàm phán với tôi tại trại giam B34 chỉ nói chuyện bằng lời. Họ yêu cầu tôi
không nên tạo thêm sự căng thẳng giữa phiên tòa bằng những lập luận của tôi mà
họ đã từng thăm dò vào năm ngoái và đầu năm nay. Cục an ninh A41 này đặt trường
hợp, nếu có các hãng thông tấn hay báo chí ở trong và ngoài nước tham dự, thì
tôi nên nói thế nào đó, để tạo sự dung hòa giữa cá nhân tôi và chính quyền. Nếu
được như thế, thì tòa án sẽ xử theo hướng có lợi cho tôi, nói thẳng ra, tòa sẽ
tuyên mức án tù đúng thời gian tôi đã bị tạm giam.
Ðể
cơ quan an ninh có cơ sở khi họp bàn với tòa án, nên vào đầu tháng 2 năm 2004,
cục A41 cử trung úy Hoàng Thanh Phúc vào đề nghị tôi làm đơn thỉnh nguyện để
sớm được trả tự do. Trước khi đi vào phần chính của lá đơn, ông Phúc yêu cầu
tôi hãy phủ nhận toàn bộ nội dung bản phúc trình về hiện trạng tù nhân chính
trị tại Việt Nam. Bản văn ấy tôi viết tại Phnom Penh ngày 26 tháng 6 năm 2002,
gửi đến Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Vừa nghe ông ấy nói
xong, tôi dằn mạnh cây bút xuống bàn để tỏ thái độ phản bác:
-
Tôi cam đoan những gì tôi trình bày trong văn bản ấy là đúng sự thật. Còn vấn
đề số phạm nhân bị thiệt mạng trong buồng kỷ luật, khi họ bị cùm chân ở trại
A20 Xuân Phước, bởi nước lụt dâng lên quá nhanh, sự việc này được nhiều anh em
từ trại Xuân Phước chuyển vào Xuân Lộc kể lại cho tôi.
Nói xong, tôi bèn trả giấy bút lại cho ông
ta.
Biết không thể nào lay chuyển ý chí của
tôi, ông ấy bảo sẽ về trình lại việc này với cấp trên.
Khoảng nửa tháng sau, ông Phúc trở lại và
chuyển đạt lời của cấp trên cho tôi, họ yêu cầu tôi chỉ viết đơn thỉnh nguyện,
tịnh không đề cập gì đến bản phúc trình. Tuy nói là đơn từ, song nội dung do
cán bộ gợi ý dường như một bản cam kết. Theo đó, tôi phải giữ đúng lời hứa mà
các viên chức an ninh và cơ quan điều tra đã nhiều lần đàm phán với tôi trước
đây. Ðặc biệt, tôi không nên nhắc đến vụ bắt cóc ở Campuchia vào ngày 25 tháng
7 năm 2002.
Trở về buồng giam, có những người chung
quanh biết chuyện, các vị ấy trách tôi, tại sao cơ quan an ninh buộc tôi làm
đơn như là bản cam kết không làm cho tình hình tại phiên tòa thêm phức tạp, đổi
lại, chính quyền cộng sản sẽ phóng thích tôi tại phiên tòa. Thế thì tại sao tôi
không yêu cầu họ cũng phải làm bản cam kết đối với tôi, chứ không thể nói
suông, nếu chính quyền cố tình nuốt lời thì sao?
Tôi vui vẻ trả lời:
-
Cảm ơn các bạn, ví phỏng chính quyền cộng sản có thái độ lật lọng, thì tôi còn
có hội kháng án lên tòa phúc thẩm. Ðến khi đó thì xem như chẳng còn gì để đàm
phán với nhau nữa. Tôi sẽ thẳng thừng vạch trần những sự vi phạm trắng trợn về
các Công ước Quốc tế của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, trong đó có việc bắt
cóc những người tỵ nạn trên đất nước láng giềng, mà những người ấy đang được
Liên Hiệp Quốc bảo vệ quyền tỵ nạn chính trị.
Cuối tháng 2 năm 2004, tôi nhận được quyết
định đưa vụ án ra xét xử vào ngày 12 tháng 3 năm 2004. Trước đó mấy hôm, Tư Liêm đến
trại giam để rà soát lại tư tưởng của tôi lần cuối, thử xem tôi có thay đổi ý
kiến gì không.
Sáng sớm hôm ấy, một toán công an trại
giam áp giải tôi ra tòa án Nhân dân thành phố. Cử tọa tại phiên tòa hầu hết là
những gã công an với những gương mặt quen thuộc.
Sau khi viện Kiểm sát đọc cái gọi là cáo
trạng, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Ðức Sáu thẩm vấn tôi. Trước sau như một,
tôi vẫn khẳng định sự ra đi của tôi là để tiếp tục hoạt động phục hồi quyền
sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Hơn một tiếng đồng hồ thì phiên tòa kết
thúc. Tòa xử tôi hai mươi tháng tù giam về tội “Trốn đi nước ngoài nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân”, theo
khoản 1, điều 91, luật Hình sự.
Tôi phải ở thêm mười bốn ngày nữa mới mãn
án. Như vậy, chính quyền cộng sản đã hợp thức hóa việc bắt cóc và giam giữ phi
pháp một người tỵ nạn suốt thời gian qua bằng một bản án hai mươi tháng tù.
Tuần sau, Tư Liêm vào trại giam gặp tôi.
Ông ấy nói, vì còn một vài vấn đề liên quan đến tôi cần phải giải quyết, cho
nên tòa án không thể xử tôi mức án bằng thời gian tạm giam như cơ quan an ninh
của bộ Công an đã hứa hẹn trước đây, mong tôi hãy thông cảm.
Tôi được chuyển xuống khu lao động của
trại, khu A và B dành cho phạm nhân đã có án. Hằng ngày, tôi phân công việc ở
nhà bếp, phục vụ cơm nước cho các bị can đang bị giam cứu ở khu C, D và đối
sách.
Ngày 26 tháng 3 năm 2004, tôi mãn hạn hai
mươi tháng tù theo bản án xử cách nay nửa tháng. Mãi đến gần 5 giờ chiều, tôi
mới ra khỏi trại giam sau khi làm các thủ tục, cán bộ phụ trách buộc tôi phải
viết một bản cam kết, không được tiết lộ bí mật trại giam B34. Tôi hỏi, thế nào
gọi là bí mật trại giam thì ông ấy không trả lời.
27
Bến bờ tự do
Hai hôm sau, ngày 28 tháng 3
năm 2004, giáo sư Võ Văn Ái và nữ sĩ Ỷ Lan ở Pháp gọi điện thoại hỏi thăm tôi. Bí ẩn vụ bắt cóc gần hai năm
qua, nay được tôi tiết lộ qua cuộc điện đàm với Phòng Thông tin Phật giáo Quốc
tế, phơi bày bộ mặt dối trá của tập đoàn cộng sản Hà Nội.
Ngày 30 tháng 3 năm 2004, tôi
được mời đến Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn. Trong không khí thân tình và cởi mở, các viên chức ở đây
hỏi thăm về tình cảnh của tôi trong những tháng ngày chịu cảnh lao tù.
Ngày 9 tháng 4 năm 2004, hai
vị đại diện văn phòng Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan và Việt Nam là
ông Jeff Savage và Vũ Anh Sơn phỏng vấn và tiến hành làm thủ tục cho tôi đi định
cư tại vương quốc Thụy Ðiển theo quy chế tỵ nạn ngày 28 tháng 6 năm 2002 vẫn
còn hiệu lực.
Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM)
đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi làm thủ tục xuất cảnh. Chính quyền cộng
sản Việt Nam đành phải cấp hộ chiếu cho tôi rời khỏi đất nước vào ngày 22 tháng
6 năm 2004.
Giờ này, tôi thật sự được đặt
chân đến bến bờ tự do
tại vùng Bắc Âu, qua đi những tháng ngày mòn mỏi trong ngục tù cộng sản.
Có được sự an lành như hôm
nay, tôi chân thành tỏ lòng tri ân cộng đồng thế giới và hết thảy các tổ chức
bảo vệ nhân quyền quốc tế:
- Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp
Quốc
- Cao ủy Liên Hiệp Quốc về
người tỵ nạn
- Tổ chức Ân xá Quốc tế
- Liên Ðoàn Quốc tế Nhân
quyền
- Tổ chức Theo dõi Nhân quyền
- Phòng Thông tin Phật giáo
Quốc tế
- Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế
- Ủy ban Bảo vệ Quyền làm
Người Việt Nam
Vân vân...
Giáo sư Võ Văn Ái và nữ sĩ Ỷ Lan điều trần về
nhân quyền Việt Nam tại Quốc hội
châu Âu
|
Tôi vô cùng biết ơn các ngài
Dân biểu Quốc hội và chính phủ thuộc cộng đồng các quốc gia dân chủ; chính phủ
và Quốc hội Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ; Liên hiệp châu Âu
và Quốc hội châu Âu
đã đặc biệt quan tâm đến số phận nghiệt ngã của tôi, đồng thời không ngừng lên
tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội hãy trả tự do cho tôi.
Tôi không bao giờ quên ơn
chính phủ vương quốc Thụy Ðiển đã dang rộng vòng tay đón nhận bao nhiêu người
Việt lánh nạn cộng sản, và giờ đây, đất nước này cũng lại cưu mang tôi sau
những đêm dài tăm tối bị cầm tù và ngược đãi dưới ách cai trị hà khắc cộng sản
Việt Nam.
Tôi chân tình cảm ơn các hãng
thông tấn và báo chí quốc tế; các cơ quan truyền thông và báo chí Việt Nam
trong cộng đồng người Việt quốc gia hải ngoại; đã nhiệt tình loan báo và đăng
tải tin tức về vụ chính quyền cộng sản Việt Nam tổ chức bắt cóc tôi tại Phnom
Penh vào ngày 25 tháng 7 năm 2002.
Dù ở trong hoàn cảnh nào
chăng nữa, tôi luôn luôn mang hoài bão phục vụ Giáo hội truyền thống và nguyện
sẽ tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn lựa.
Tất cả các tôn giáo tại Việt
Nam phải được sinh hoạt một cách độc lập, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất phải được quyền sinh hoạt trở lại. Nhà cầm quyền tuyệt đối không
được xen vào nội bộ các tôn giáo và đừng biến tôn giáo trở thành công cụ chính
trị.
Tôi nhất quyết đòi hỏi nhà
cầm quyền cộng sản Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân
vì lương thức và những người đấu tranh cho một đất nước Việt Nam thật sự có tự
do và quyền con người. Ðược như thế, chắc chắn rằng, hơn tám chục triệu con
Hồng cháu Lạc đang sinh sống trên quê hương Việt Nam thân yêu và cộng đồng
người Việt định cư khắp năm châu bốn bể mới cảm thấy hạnh phúc tràn trề.
Rồi một ngày nào đó không xa,
chế độ độc tài toàn trị cộng sản tất phải lụi tàn để nhường chỗ cho một chính
thể dân chủ đa nguyên. Ðến khi ấy, mọi người dân Việt sẽ được hít thở không khí
tự do trùm phủ khắp non sông một dải, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, ai nấy đều
chung lưng đấu cật để xây dựng một đất nước thanh bình.
Thụy Ðiển, mùa tuyết
rơi
Tháng đầu xuân năm Ất
Dậu (2005)
Trí Lực
PHỤ LỤC
Sau 30 năm xích hóa, cuộc
điều trần tại Quốc hội châu Âu về tình trạng
nhân quyền tại Cam Bốt, Lào và Việt Nam thành công rực rỡ, dù Hà Nội kịch liệt
phản đối - Ðại sứ Hà Nội bị cấm phát biểu - Sách trắng Nhân quyền bị cấm phân phát tại cuộc điều
trần
2005-09-17 | | UBBQLNVN
PARIS - Không như Hoa
Kỳ, Quốc hội châu Âu ít tổ chức các cuộc điều trần. Vì vậy từ 30 năm qua, hôm
thứ hai 12.9.2005, lần đầu tiên mới có một cuộc điều trần về tình trạng nhân
quyền tại ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Do cuộc vận động khẩn thiết của Ủy
ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam và Diễn đàn Dân chủ Á châu, Quốc hội châu
Âu đã đồng ý mở cuộc điều trần để đánh dấu 30 năm kết thúc chiến tranh mà cũng
là 30 năm xích hóa Cam Bốt, Lào và Việt Nam.
Hà Nội, Vạn Tượng và
Nam Vang đã thất bại trong việc ngăn cản cuộc điều trần. Ba đại sứ tại vương
quốc Bỉ và Liên hiệp châu Âu của ba nước đã đến gặp Ủy ban Ðối ngoại Quốc hội
châu Âu yêu cầu hủy bỏ cuộc điều trần, với lý do "các tổ chức đến điều
trần không am hiểu thực tại chính trị và nhân quyền" tại ba nước. Nhưng bà
Hélène Flautre, Chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội giải thích cho các đại sứ
hiểu về truyền thống dân chủ là phải biết lắng nghe và đối thoại, bà ngỏ lời
mời ba đại sứ đến tham dự cuộc điều trần. Bà Phan Thúy Thanh, Ðại sứ Hà Nội tại
vương quốc Bỉ và Liên hiệp châu Âu, nhận lời với điều kiện được phát biểu.
Nhưng Quốc hội châu Âu đã thẳng thắng nói KHÔNG, vì lẽ Quốc hội châu Âu đã mời
các nhà đấu tranh cho nhân quyền thuộc tổ chức Diễn đàn Dân chủ Á châu đến
thuyết trình rồi.
Từ Hà Nội, bà Tôn Nữ
Thị Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, viết thư phản đối và yêu
cầu Quốc hội châu Âu hủy bỏ cuộc điều trần.
Nhưng cuộc điều trần
vẫn cứ diễn ra trong không khí quan tâm và thân ái của trên một trăm Dân biểu
thuộc Phân ban Nhân quyền, Quốc hội châu Âu. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn thấy
không khí náo nhiệt khi bước vào phòng điều trần. Vừa lúc ấy Dân biểu Marco
Pannella nói với chúng tôi rằng : "Chưa bao giờ họp bàn về nhân quyền lại
đông như hôm nay. Các vị có nhớ không, hồi đầu năm nay, khi ông Nguyễn Văn An,
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, cầm đầu một phái đoàn đông đảo đến đây nhưng không
được Chủ tịch Quốc hội Châu Âu tiếp, Quốc hội cũng từ chối tổ chức cho phái
đoàn Hà Nội thuyết trình. Cuối cùng, ông Nguyễn Văn An yêu cầu được gặp Phái
đoàn Quốc hội Châu Âu liên hệ các quốc gia Ðông Nam Á, thì chỉ có 5 Dân biểu đến
gặp. Nhưng giữa buổi thuyết trình 3 Dân biểu rời phòng họp, còn 2 người ở lại
cho đến phút chót ! Hôm nay các vị thành công quá sức tưởng tượng".
Trong lời tuyên bố khai
mạc cuộc điều trần cùng những nguyên do tổ chức, Bà Hélène Flautre, Chủ tọa
cuộc điều trần đưa cao cuốn Sách Trắng về Nhân quyền của Hà Nội và nói :
"Cuộc điều trần hôm nay rất sôi động với nhiều phản ứng. Hôm qua tôi đã
tiếp ba Ðại sứ Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Hôm nay, trong phòng hội này có mặt bà
Nguyễn, Cố vấn Ðại sứ quán Việt Nam, bà ngỏ ý muốn được phát biểu và phân phát
tập tài liệu Sách Trắng về Nhân quyền. Nhưng tôi phải dùng quyền hạn của mình
cùng những quy tắc của Quốc hội Châu Âu bác bỏ việc đó. Một trong những lý do
bác bỏ là ngay dưới mắt tôi đây, nơi Chương IV của Sách Trắng về Nhân quyền, do
CHXHCNVN gửi đến tôi, thì đây là một mẩu hợp tuyển của sự dèm pha, bôi nhọ
những tổ chức nhân quyền. Quốc hội Châu Âu không thể là diễn đàn cho một sự phỉ
báng như thế". Sau đó bà giới thiệu 6 điều trần viên ba nước, chức vụ cùng
quá trình hoạt động của từng người :
Phía Cam Bốt là ông Sam
Rainsy, Chủ tịch Ðảng Ðối lập Cam Bốt, Dân biểu Quốc hội, và bà Kek Galabru,
Chủ tịch Hội Bảo vệ Nhân quyền Cam Bốt. Phía Lào là bà Vanida Thepsouvanh, Chủ
tịch Phong trào Nhân quyền Lào, và bà Ruhi Hamid, ký giả Ðài BBC, tác giả cuốn
phim tài liệu về người Hmong sống trốn lánh trong rừng từ 20 năm qua. Phía Việt
Nam là ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, Chủ tịch
Diễn đàn Dân chủ Á châu, Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, và ông Phạm
Văn Tưởng (tức cựu Tăng sĩ Thích Trí Lực) người bị công an Việt Nam bắt cóc tại
Nam Vang đưa về giam ở Việt Nam, mặc dù ông đã được Cao ủy Tị nạn LHQ ở Nam
Vang cấp thẻ tị nạn và bảo vệ chính trị cho ông.
Sau phần điều trần khúc
chiết, hùng hồn với đầy đủ số liệu, chứng cớ, hoặc xúc động và chân thực của
những chứng nhân trong cuộc ở ba nước, là phần chất vấn của các vị Dân biểu.
Thế nhưng ở phần này chẳng có ai thắc mắc. Hầu như ai cũng biết rõ chính sách
chà đạp nhân quyền tại ba nước. Các Dân biểu chỉ nói lên sự thông cảm, đồng
tình, hoặc lo tìm giải pháp chận đứng bàn tay thô bạo của nhà cầm quyền cộng
sản tại ba nước. Một vài vị Dân biểu từng đến Việt Nam hội họp hoặc thăm viếng
bỗng nhiên trở thành những tiếng nói nhân chứng sống động.
Tập tài liệu dày 37
trang khổ A4 mang tựa đề "30 năm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tình trạng
nhân quyền tại Cam Bốt, Lào và Việt Nam" bằng tiếng Anh và Pháp, do Diễn
đàn Dân chủ Á châu soạn thảo. Tài liệu đã được đưa lên Trang nhà của Quốc hội
Châu Âu một tuần lễ trước cuộc điều trần, để cho các vị Dân biểu nghiên cứu, so
sánh, hầu có thể phản bác, chất vấn nếu tìm ra những điều sai trái. Nhiều Dân
biểu nói với chúng tôi rằng : "Tài liệu này là sự trả lời hùng hồn nhất
cho tập Sách Trắng về nhân quyền của Hà Nội".
Chúng tôi xin ghi lại
một số lời tiêu biểu mà cũng có tính chất đại biểu của các Dân biểu Quốc hội
Châu Âu sau khi nghe xong cuộc điều trần :
Bà Monica Frassoni
(Ðảng Xanh) : "Tôi không có chân trong Phân ban Nhân quyền, nhưng vẫn đến
tham dự điều trần để nói lên lời mắt thấy tai nghe. Tháng tư vừa rồi tôi đến
Việt Nam trong khuôn khổ công tác của Quốc hội Châu Âu và tôi vô cùng xúc động
khi được dịp gặp nhà ly khai nổi danh vừa được nhắc đến trong cuộc điều trần
này, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, nhà lãnh đạo số hai của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất. Tôi cũng tìm cách gặp một nhà ly khai quan trọng khác là ông
Hoàng Minh Chính. Cả hai vị được xem như "đang được tự do". Sau khi
tôi gặp Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, thì tức khắc sau đó ngôi chùa của ngài bị
phong tỏa, công an canh gác cẩn mật, không còn ai được đến thăm ngài nữa. Còn
trường hợp ông Hoàng Minh Chính, người đã bỏ suốt đời đấu tranh và bị tù tội,
thì 5 công an đã chận trước hẽm không cho tôi vào thăm.
"Tôi nhắc tới sự
kiện này với nhà cầm quyền Việt Nam khi Phái đoàn Quốc hội chúng tôi tiếp xúc
với các Bộ trưởng Việt Nam, họ trả lời mơ hồ, lại như muốn chối bỏ một chuyện
như thế có thể xẩy ra ! Ðiều tôi thắc mắc là sự thành công phát triển trên đất
nước này đã vượt qua các hậu quả tiêu cực của chiến tranh, mà tôi ca ngợi, lại
là điều cộng đồng thế giới đem ra biện chính cho các vi phạm nhân quyền trầm
trọng. Ðây là vấn đề tra vấn chúng ta trong việc chấp nhận cho Việt Nam gia
nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới).
"Ở đây tôi muốn
nói lên sự chứng kiến của tôi và xác nhận sự may mắn lớn cho tôi khi được diện
kiến Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, một con người tuyệt đối tự tại vô ngại, một con
người mang những khả năng vô biên. Hòa thượng biết rõ những rủi ro đang gặp
phải, những hiểm nguy mà Giáo hội ngài đối diện. Hình ảnh ngài mang lại cho tôi
niềm hy vọng tột cùng.
Ông Charles Tannock,
Phó chủ tịch Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu, thuộc Ðảng Bình dân Âu châu
và Dân chủ Âu châu (đảng đa số) : "Trước hết cho tôi ngỏ lời cám ơn bà
Penelope Faulkner (chị Ỷ Lan) đã vô cùng lưu loát và sống động khi thông dịch
lời nhân chứng kinh hoàng của cựu Tăng sĩ Thích Trí Lực. Nhờ vậy cho chúng ta
thấy ra một nhân chứng sống với biết bao khổ đau bức bách xẩy ra cho các cộng
đồng tôn giáo như Phật giáo là một. Trước đây, bà Faulkner đã từng đến gặp tôi
trình bày mong muốn của tổ chức bà về sự khẩn thiết của cuộc điều trần ngày hôm
nay. Phải nói rằng cuộc điều trần rất thành công. Tôi là người đã nhiều lần
chất vấn Quốc hội Châu Âu hoặc thúc đẩy những Nghị quyết về vấn đề đàn áp người
Thượng theo đạo Tin Lành.
"Thật nghịch lý để
nhận rằng Việt Nam đang theo đuổi con đường của chính kẻ thù lịch sử của họ,
Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, với những vi phạm nhân quyền khốc liệt.
"Tôi phải nói ngay
ở đây cảm tưởng khi đọc xong tập Sách Trắng về Nhân quyền (của Hà Nội). Tôi tìm
thấy trong đó những thuật ngữ tương tự theo kiểu "không được xâm phạm
chuyện nội bộ quốc gia". Ðây là thứ ngôn ngữ của Trung hoa Ðỏ và Việt Nam
cùng học theo chiến lược này.
"Nhưng Việt Nam
cũng đồng thời theo đuổi cuộc cải cách thị trường tự do, chắc chắn vì lý do
này, mà các cường quốc phương Tây và Cộng đồng Châu Âu đã sẵn sàng đối thoại
nhưng lại đánh mất sự phê phán.
"Tôi hoàn toàn tán
thành và hỗ trợ ý kiến của ông Võ Văn Ái rằng Quốc hội Châu Âu phải ra ngay
Quyết nghị mới để nói lên các lời ta thán và tố cáo mà ông Ái gợi ý qua cuộc
điều trần hôm nay mong được Quốc hội Châu Âu quan tâm.
Ông Marco Pannella,
Ðảng Cấp tiến Liên quốc thuộc Nhóm Tự do và Dân chủ Châu Âu : "Tôi tán
thành và xin kêu gọi Quốc hội Châu Âu hãy ra gấp một Quyết Nghị khẩn như đã yêu
cầu qua cuộc điều trần".
Ông Simon Coveney, Báo
cáo viên đặc biệt về Nhân quyền của Quốc hội Châu Âu, thuộc Ðảng Bình dân Âu
châu và Dân chủ Âu châu (đảng đa số) : "Cuộc điều trần thật là bổ ích. Kể
từ khi khai mạc khóa mới của Quốc hội Châu Âu cho đến nay, đây là cuộc điều
trần quan trọng nhất. Tôi xin ngỏ lời cám ơn tất cả. Tôi cũng nghĩ rằng chúng
ta nên đặt những câu hỏi với các Ðại sứ ba nước. Riêng tôi, chắc chắn là tôi sẽ
nêu lên một số câu hỏi về những gì chúng ta vừa nghe ở đây. May ra chúng ta sẽ
được các Sứ quán hồi đáp chăng.
"Ðiểm trọng tâm mà
tôi muốn nói, là sự thiếu hiệu lực trong Hiệp ước hợp tác song phương mà chúng
ta ký kết với Cam Bốt, Lào và Việt Nam. Ðiều 1 quy định sự tôn trọng các nguyên
tắc dân chủ và nhân quyền là điều thiết yếu của Hiệp ước. Những gì chúng ta
nghe qua cuộc điều trần hôm nay cho thấy rằng hầu như điều thiết yếu trên đây
trở thành vô nghĩa.
"Chúng ta cần có
những cuộc thảo luận đặc biệt về nhân quyền tại Quốc hội về hiệu lực của các
điều khoản nhân quyền trong Hiệp ước hợp tác song phương.
"Ðiều tôi muốn gợi
lên là làm sao để hiệu lực hóa trong việc theo dõi sự thay đổi chính sách tại
các nước trên lĩnh vực các quyền cơ bản, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do tôn
giáo và những cuộc đàn áp dưới các chính thể đàn áp mà chúng ta nghe qua cuộc
điều trần hôm nay.
"Liên hiệp Châu Âu
trong thực tế là một đại cường trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và viện trợ.
Nếu chúng ta nhìn kỹ vào các viện trợ dành cho Cam Bốt, Lào, Việt Nam, tất thấy
ngay số tiền kếch sù này do nhân dân Châu Âu đóng thuế. Cho nên chúng ta có bổn
phận bảo đảm cho số tiền viện trợ kếch sù ấy nằm trong khuôn khổ Hiệp ước đã ký
kết, mà điều cần thiết là phải áp lực để thực hiện sự thay đổi cơ bản cho nhân
quyền.
"Vì vậy, tôi nghĩ
rằng, ngay bây giờ đây, chúng ta phải tính chuyện cùng nhau đồng tình cho một
Quyết nghị mới về Cam Bốt, Lào và Việt Nam, và phải bắt tay thảo luận ngay
chuyện này trong những ngày tới".
Bà Ana Maria Gomes, Phó
chủ tịch Phân ban An ninh và Quốc phòng, thuộc Ðảng Xã hội : "Tôi xin cám
ơn bà Chủ tịch đã có mỹ ý tổ chức cuộc điều trần hôm nay, và cám ơn tất cả các
điều trần viên thuyết trình rất hay. Tôi chẳng ngạc nhiên tí nào với những điều
đang xẩy ra tại Việt Nam, là quốc gia mà tôi biết rất rõ. Hai năm trước đây tôi
đến tham dự một cuộc hội thảo chuyên đề do Bộ Ngoại giao tổ chức. Khi tôi phát
biểu về quyền tự do giúp đỡ nhân đạo hay một số can thiệp của Việt Nam tại Cam
Bốt, thì phía nhà cầm quyền Việt Nam tỏ vẻ giận dữ kinh khủng. Bởi vì điểm
trúng huyệt mà họ khư khư bảo vệ, cái mà họ không ngừng ngăn cấm bất cứ ai
"xâm phạm vào lĩnh vực nhân đạo và nhân quyền". Ðây là thái độ thường
thấy tại các nước Ðông Nam Á.
"Hôm nay bà Chủ
tọa có ý sẽ đưa các vấn đề này ra chất vấn Hội đồng Châu Âu. Nhưng ý kiến tôi,
là ta hãy chất vấn trực tiếp các chính phủ liên hệ, phải chất vấn các chính
phủ, bởi vì các chính phủ này chứ chẳng ai khác là tác giả của tình trạng nhân
quyền tồi tệ. Còn phía Hội đồng Châu Âu, thì chúng ta yêu sách không thể tụ thủ
bàng quan được nữa, mà phải can thiệp.
Ông Árpád Duka-Zólyomi,
người Slovakia, thuộc Ðảng Bình dân Âu châu và Dân chủ Âu châu (đảng đa số) :
"Thật là bổ ích ngồi nghe cuộc điều trần hôm nay làm cho tôi nhớ tới 40
năm sống dưới chế độ Cộng sản. Dưới chế độ này đối lập không thể nào cất đầu
lên, không có cả khả năng chống đối. Cộng sản là một trò đùa ác độc. Vấn đề đặt
ra ở đây là Quốc hội Châu Âu có biện pháp chế tài nào không ?
Ông Marc Tarabella, Phó
chủ tịch Phái đoàn Quốc hội Châu Âu liên hệ các nước Ðông Nam Á, thuộc Ðảng Xã
hội : "Tôi chú tâm theo dõi và giật nẩy mình với những gì nghe được qua
cuộc điều trần chiều hôm nay. Nó mở ra cho chúng ta một chặng đường phải tiến
tới trong lĩnh vực nhân quyền.
"Tuần tới, Phái
đoàn Quốc hội Châu Âu liên hệ các nước Ðông Nam Á sẽ đến Vạn Tượng dự cuộc họp
các dân biểu liên Quốc hội. Hiển nhiên là chúng tôi sẽ đề cập tới vấn đề mà
chúng ta bàn thảo qua cuộc điều trần và yêu sách được phản hồi. Tôi bảo đảm với
quý vị rằng, chúng tôi sẽ là người thông dịch trung thành cho những mối quan
tâm mà quý vị đạo đạt đến Quốc hội Châu Âu hôm nay. Nhất là vấn đề tự do báo
chí, là điều kiện thiết yếu cho sự thảo luận dân chủ thực sự, vấn đề lập hội tư
nhân, ví dụ như thành lập các công đoàn tự do, vấn đề trả tự do cho các tù nhân
vì lương thức, và tự do tôn giáo.
"Tôi rất tiếc mà
phải nói ra đây, là chúng ta chẳng hề nhắc nhở chuyện nhân quyền khi đề cập đến
các quốc gia Ðông Nam Á. Khi nói tới Á châu, người ta liền nghĩ ngay đến Trung
quốc và Nhật bản, mà quên đi các quốc gia khác. Tôi tin rằng, thông qua những
quan hệ kinh tế, xã hội, văn hóa, công đoàn, mà thúc đẩy thăng tiến mọi việc
khác. Như nhân quyền là điều căn bản. Và cũng là điều căn bản phải nói lên vấn
nạn nhân quyền tại đây, nếu không, Quốc hội Châu Âu sẽ mang trọng tội. Trong
các quan hệ song phương cũng phải nhắc nhở luôn luôn đến nhân quyền".
Ông Michael Gahler, Phó
chủ tịch Ủy ban Phát triển, thuộc Ðảng Bình dân Âu châu và Dân chủ Âu châu
(đảng đa số) : "Nghe xong cuộc điều trần mới thấy điều khoản nhân quyền
trong Hiệp ước hợp tác song phương giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam chỉ là
mảnh giấy loại ! Chúng ta có cơ chế nào không để ngăn cản những vi phạm nhân
quyền ? Chúng ta có điều khoản nào không để cắt bỏ viện trợ ? Việt Nam và Lào
sống dưới chế độ độc đảng, y như là bản nháp của rừng rú. Thật khác với Ðông Âu
ngày nay. Ở Saigon ngày nay có đủ mọi thứ, nào cờ cộng sản, nào làm ăn tự do,
nào tư bản được phép làm giàu... Thế nhưng công cuộc đổi mới kinh tế đang chững
lại vì thiếu một cuộc cải tổ chính trị".
CUỘC ÐIỀU TRẦN CỦA ÔNG VÕ VĂN ÁI
Mở đầu, ông Ái cám ơn
và ca ngợi Quốc hội Châu Âu như một thiết chế quốc tế đầu tiên quan tâm rất sớm
đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam "trong khi dư luận thế giới còn mê
sảng nơi hội chứng Việt Nam". Ông nhắc lại "Năm 1985, kỷ niệm 10 năm
Saigon thất thủ, chúng tôi đã đến LHQ khiếu kiện Việt Nam vi phạm nhân quyền
quy mô và trắng trợn. Quốc hội Châu Âu đã tức khắc ra Quyết nghị hỗ trợ và yêu
cầu gửi phái đoàn điều tra đi Việt Nam. Quốc hội Châu Âu cũng đã chỉ định một
Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền Việt Nam. Thật là một phản ứng quốc tế sốt
dẽo. Ngay năm đó, LHQ vẫn chưa đi xa đến thế. Và hôm nay đây, Quốc hội Châu Âu
lại đánh dấu 30 năm Saigon thất thủ bằng sự quan tâm đến tình trạng nhân quyền
tại ba nước chúng tôi".
Ông Ái cho biết
"Liền sau năm 75, tôi báo động thế giới con số 500.000 tù nhân chính trị
cần bênh vực, thì nhà cầm quyền Hà Nội vu cáo tôi "nói dối", thuộc
"thế lực xấu", "thế lực phản động", "tơ tưởng chế độ
cũ". Sự vu cáo ấy vẫn tiếp diễn tới ngày hôm nay qua cuốn Sách Trắng về
Nhân quyền mà Hà Nội công bố hôm tháng 8 vừa qua. Thế nhưng khi nguồn viện trợ
của Liên Xô cạn kiệt, Hà Nội quay đầu tìm nguồn viện trợ phương Tây, thì ông cố
thủ tướng Phạm Văn Ðồng công bố vào cuối năm 1978, rằng đã trả tự do cho 2
triệu tù nhân cải tạo, 4 lần hơn con số tôi đưa ra trước đó.
"Ngày nay Việt Nam
vẫn sống dưới chế độ độc tài cộng sản, vẫn là một nhà tù giam nhốt dân tộc họ.
Ðiều 4 trên Hiến pháp cho phép đảng Cộng sản toàn quyền chuyên chính cai trị
đất nước và gạt phăng mọi thành phần dân tộc khác. (...) Ðiều mới mẻ ở Việt Nam
là dùng luật pháp để đàn áp nhân quyền. Giúp cho việc thực hiện này, Quốc hội
Châu Âu, Nhật, Ngân hàng thế giới và nhiều nước khác đang đổ hàng triệu đô la
viện trợ cho Hà Nội, tưởng rằng đang góp tay xây dựng một Nhà nước pháp quyền.
Ðây chính là Chiến lược phát triển hệ thống luật pháp thực hiện trong vòng 10
năm với tiền thuế đóng góp của người dân Châu Âu. Thực tế là để củng cố chế độ độc
tài với những phương tiện "pháp lý" hòng truy diệt đối lập. Kiểm soát
chặt chẽ quần chúng bằng các cơ chế công an khu vực, hộ khẩu và lý lịch. Nay
thêm những luật pháp kềm tỏa, chẳng hạn như Nghị định 31/CP quản chế hành chính
từ 6 tháng đến 2 năm bất cứ ai bị "nghi" xâm phạm "an ninh quốc
gia" mà không thông qua tòa án, cấm đoán biểu tình (Nghị định
38/2005/NÐ-CP ban hành năm nay), ngăn cấm sinh hoạt tôn giáo đối với các tôn
giáo độc lập (Pháp lệnh về tôn giáo ban hành cuối năm ngoái)...
"Tháng 7 vừa qua,
lại thêm chỉ thị biến các quán cà phê Internet trở thành những cơ sở tiếp trợ
công an. Người quản lý cybercafe được đào tạo cách theo dõi, kiểm soát khách
đến truy cập liên mạng. Năm 2004 những đội công an Internet (cyberpolice) được
thành lập để truy lùng những kẻ truy cập các trang nhà "nhạy cảm"
cung cấp các tin tức nhân quyền và dân chủ.
"Tất cả những luật
pháp như thế trái chống với nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam. Ðặc biệt là trái
chống với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ, hay ngay
cả Hiệp ước hợp tác song phương Liên Âu và Việt Nam, mà điều 1, tôi xin nhắc
nhở với quý vị, bó buộc Việt Nam phải tôn trọng các quyền cơ bản. Năm 2002, Ủy
ban Nhân quyền LHQ than phiền về sự kết án tử hình bừa bãi tại Việt Nam, thì Hà
Nội liền "sửa sai" năm 2003 bằng cách liệt các thông tin về án tử
hình vào "bí mật Nhà nước". Việt Nam cũng vi phạm các điều ước quốc
tế và các quyền cơ bản bằng sự khoanh tay trong các lĩnh vực xã hội và y tế. Ví
dụ như con số báo động về bệnh Sida : 250.000 người mắc bệnh, mỗi năm có thêm
40.000 mắc bệnh, đa phần là giới trẻ. Cũng giống như tệ nạn buôn bán phụ nữ, Hà
Nội né tránh vấn nạn y tế và chủ súy sự bêu xấu. Bệnh Sida là sự bất thiện xã
hội, kẻ mắc bệnh là những phần tử xấu, chứ không là những nạn nhân. Họ bị xem
như hủi và bị xã hội chối bỏ.(...)
"Ðể giải quyết các
vấn nạn trên đây, phải cậy nhờ tới các xã hội dân sự. Nhưng 60 năm chiến tranh
rồi nạn độc tài làm hủy tiêu các xã hội dân sự. Việt Nam ngày nay không có chỗ
đứng cho các đảng phái đối lập, không có công đoàn tự do, không có các tổ chức
phi chính phủ độc lập. Chỉ còn lại các cộng đồng tôn giáo chịu dấn thân vào các
nghĩa cử giáo dục, từ thiện, và quan tâm tha thiết đến các quyền con người cơ
bản. Tôn giáo đang bảo vệ hồn nước. Nhưng tôn giáo lại đang bị đàn áp khốc
liệt".
Ông Ái nêu rõ một số
trường hợp tang thương của Phật giáo, Cao Ðài, Hòa Hảo, Tin Lành, Công giáo.
Ðặc biệt là trường hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và người
Thượng Tây nguyên mà nạn nhân trốn thoát sang Cam Bốt bị dẫn độ về Việt Nam, bị
hành hạ, mặc những hứa hẹn với Cao ủy Tị nạn LHQ. Ông cũng nhắc tới sự kiện Thủ
tướng Phan Văn Khải tiếp đón Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang năm 2003 đem
lại nhiều tin tưởng cho một sự đổi thay chính sách tôn giáo. Nhưng 6 tháng sau
đó, lại tiếp diễn khủng bố, bắt giam hàng giáo phẩm lãnh đạo, trong số này có
Ðức Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ. Trước đó, 2 năm
quản chế (2001-2003) áp dụng khắc khe cho Hòa thượng Thích Quảng Ðộ vì Hòa
thượng tung "Lời kêu gọi cho Dân chủ Việt Nam".
Kết thúc bài điều trần,
ông Võ Văn Ái nói : "Ðó là hình ảnh Việt Nam 30 năm sau chiến tranh kết
thúc. Thảm nạn Việt Nam cơ bản đến từ sự độc quyền của đảng Cộng sản. Theo bà
Tôn Nữ thị Ninh, cựu Ðại sứ Hà Nội tại Vương quốc Bỉ và Liên hiệp Châu Âu, thì
Ðảng muốn "xây dựng dân chủ trên hệ thống độc đảng". Thật là một sự
lừa đảo, chẳng khác chi kẻ đốt nhà đi chữa lửa, lại khước từ bất cứ ai tình
nguyện đến chữa cháy.
"Chúng tôi nghĩ
rằng, phải chối bỏ thứ "quyền" mà bà ta rêu rao tại Diễn đàn ASEM 5
tổ chức tại Hà Nội tháng 9.2004, "quyền bảo vệ thiểu số". Thiểu số mà
bà ta bảo vệ là 2,6 triệu đảng viên Cộng sản đang ngồi chễm chệ trên đầu 82
triệu dân. Bởi vì đảng Cộng sản là cái thắng kìm hãm sự phát triển Việt Nam, là
động cơ thoái bộ.
"Liên hiệp Châu Âu
là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam, không thể nào tiếp tục
viện trợ cho Việt Nam mà chẳng chịu quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Vì đây là
tiền của người công dân Châu Âu đóng thuế. Mặt khác còn cả điều 1 liên hệ đến
nhân quyền và dân chủ trong Hiệp ước hợp tác song phương ký kết năm 1995.
"Vì vậy, tôi xin
kêu gọi Quốc hội Châu Âu hãy khẩn thiết thông qua một Quyết nghị mới nói lên sự
quan tâm của Quốc hội Châu Âu cho nhân quyền tại Cam Bốt, Lào và Việt Nam.
"Tôi xin đề xuất 7
điểm yêu sách mà Quốc hội Châu Âu tạo áp lực để nhà cầm quyền Việt Nam thực thi
:
"1. Nhân dịp 30
năm kết thúc chiến tranh, kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam mở ra kỷ nguyên đối
thoại và hòa giải bằng cách gọi mời tất cả các thành phần dân tộc tham gia bình
đẳng vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, tri thức và chính trị tại Việt
Nam, kể cả những tôn giáo chưa được thừa nhận mà tự thân là những xã hội dân sự
còn tồn tại ;
"2. Áp lực nhà cầm
quyền Việt Nam xóa bỏ điều 4 trên Hiến pháp về sự độc quyền của đảng Cộng sản,
để tạo sự tham gia của mọi trào lưu tư tưởng vào công cuộc phát triển nói trên
;
"3. Yêu sách nhà
cầm quyền Việt Nam phục hồi quyền sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất hiện đang bị cấm đoán hoạt động, cũng như tất cả những tôn giáo
khác chưa được thừa nhận, vì họ là thành viên thiết yếu của xã hội dân sự, và
để cho các tôn giáo toàn quyền tự do sinh hoạt ;
"4. Áp lực nhà cầm
quyền Việt Nam cải cách luật báo chí và cho phép ra báo tư nhân và độc lập để
thiết lập những diễn đàn thực sự dân chủ cho những cuộc thảo luận ý kiến ;
"5. Áp lực nhà cầm
quyền Việt Nam cải tổ tất cả các luật pháp thông qua trong khuôn khổ Chiến lược
phát triển hệ thống pháp luật, để cho các điều luật này tuân thủ luật quốc tế
liên quan đến các quyền con người cơ bản, và bảo đảm với các quốc gia tặng dữ,
đặc biệt là Liên hiệp Châu Âu cùng các thành viên quốc gia của Liên Âu, để cho
các quốc gia này không tài trợ cho những sắc luật hạn chế nhân quyền ;
"6. Áp lực nhà cầm
quyền Việt Nam cho phép thành lập các hội đoàn tư nhân và độc lập như những
công đoàn tự do và những tổ chức phi chính phủ, và khuyến khích sự xuất hiện
của những xã hội dân sự năng động ;
"7. Kêu gọi nhà
cầm quyền Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho những tù nhân chính
trị, tù nhân vì lương thức hoặc bị quản chế vì đã biểu tỏ chính đáng các quyền
tự do ngôn luận, tư tưởng và tôn giáo, như trường hợp Ðức Tăng thống Thích
Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, và các nhà bất đồng chính kiến sử dụng
Internet Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình.
CUỘC ÐIỀU TRẦN CỦA NHÂN CHỨNG PHẠM VĂN TƯỞNG
Ông Phạm Văn Tưởng, tức
cựu Tăng sĩ Thích Trí Lực, thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất, là nhân chứng sống về một quãng đời dài bị áp bức, tù tội, quản chế,
ngược đãi. Cho đến khi lánh sang Cam Bốt xin tị nạn và được Cao ủy Tị nạn LHQ
tại Nam Vang cấp thẻ tị nạn chính trị. Nhưng một tháng sau đó, công an cộng sản
Việt Nam bắt cóc ông tại Nam Vang và giải về Việt Nam bí mật giam tù. Nhờ áp
lực quốc tế nên cuối cùng ông đã được sang tị nạn tại Thụy Ðiển sau 20 tháng
tù.
Tiếng nói của nhân
chứng Phạm Văn Tưởng đã gây xúc động mạnh tại cuộc điều trần, đồng thời nói lên
thực trạng của chế độ công an trị xuyên biên giới.
Sau những lời cảm tạ
Quốc hội Châu Âu, ông trình bày khái quát tình hình chung của Phật giáo :
"Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là giáo hội truyền thống, được kế
thừa trải qua hai nghìn năm lịch sử. Sau khi quân cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm
miền Nam Việt Nam năm 1975, nhà cầm quyền cộng sản đã đặt ách thống trị hà
khắc, đang tâm đàn áp giáo hội chúng tôi hết sức nghiệt ngã và vô cùng thô bạo.
Nhiều vị trong hàng giáo phẩm bị giam giữ, lưu đày, hai vị lãnh đạo giáo hội là
Hòa thượng Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ hiện giờ cũng đang bị
quản thúc nghiêm ngặt.
"Câu chuyện của
tôi bắt đầu từ năm 1992, khi Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Chánh thư ký kiêm Xử lý
Viện Tăng thống, viên tịch tại chùa Linh Mụ, Huế. Ngài để lại di chúc phó thác
cho Hòa thượng Thích Huyền Quang tiếp tục điều hành giáo hội. Bản thân tôi cũng
có những hoạt động đòi hỏi tự do tôn giáo qua công cuộc vận động phục hồi quyền
sinh hoạt pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tôi bị chính
quyền cộng sản bắt ngày 2.10.1992 với nhiều Tăng sĩ khác. Mấy tháng sau thả ra
nhưng bị đưa về quản thúc tại chùa Già Lam, rồi Pháp Vân ở Saigon.
"Ngày 6.11.1994
tôi bị bắt lại, vì tham gia đoàn cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu
Long do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tổ chức. Ngày 15.8.1995 tòa án nhân dân thành
phố Hồ Chí Minh ra án quyết phạt tôi 30 tháng tù giam và 5 năm quản thúc sau
khi mãn hạn tù với tội danh "phá hoại chính sách đoàn kết" và
"lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền lợi nhà nước".
"Ngày 13.2.1997,
mãn hạn tù tôi rời khỏi trại cưỡng bức lao động Z30A ở Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai
và tiếp tục thi hành án lệnh quản thúc. Mỗi tháng phải đến trình diện công an,
bị hạch xách đủ điều. Cho đến ngày 13.2.2002, lẽ ra tôi được mãn hạn quản thúc
theo pháp lý, thế nhưng đảng Cộng sản đương quyền vẫn tiếp tục quản thúc tôi mà
chẳng cho biết lý do. Mọi sinh hoạt của tôi đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Ròng
rã suốt mười mấy năm qua, thật sự tôi chưa hề có được một ngày sống trong không
khí tự do. Bởi thế cho nên, tôi chẳng còn sự chọn lựa nào khác, đành lòng phải
ra đi lánh nạn cộng sản.
"Tôi vượt qua biên
giới và đến được vương quốc Cam Bốt ngày 19.4.2002. Sau khi được phủ Cao ủy Tị
nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh xem xét hồ sơ và phỏng vấn, ngày 28.6.2002
tôi được hưởng quy chế tị nạn dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc.
"Thế nhưng vào
khoảng 19 giờ ngày 25.7.2002, khi tôi đang rảo bộ trên đường số 185 đối diện
chợ Orussey, thì bất ngờ bị một toán công an mật vụ Việt Nam mặc thường phục và
Cam Bốt bắt cóc đẩy lên xe, đánh đập tôi và tịch thu thẻ tị nạn của Liên Hiệp
Quốc cấp cho tôi. Sáng hôm sau họ chở tôi về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài,
tỉnh Tây Ninh. Ở đây đã có các viên chức bộ Công an chờ sẵn. Từ đây họ đưa tôi
về trại giam B34, tọa lạc tại số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, Sài Gòn,
thuộc cơ quan an ninh điều tra (A24) của bộ Công an.
"Suốt 13 tháng
trời, tôi bị giam giữ nghiêm ngặt trong tù và biệt vô âm tín với người thân. Họ
không biết tôi sống hay chết. Ngay cả sau này khi tôi được trả tự do nhà cầm
quyền không bao giờ chấp nhận chuyện họ bắt cóc tôi. Nếu như thế thì làm sao
Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc lại cấp thẻ tị nạn cho tôi tại Nam Vang?
"Ngày 12.3.2004,
tòa án tại Sài Gòn mở phiên tòa xét xử. Công an hăm dọa tôi không được tiết lộ
việc tôi bị họ bắt cóc tại Nam Vang, nếu không nghe sẽ bị kết án nặng nề. Tòa
tuyên phạt tôi 20 tháng tù về tội "trốn đi nước ngoài nhằm chống chính
quyền nhân dân". Tôi đã ở trong tù 19 tháng, nên được trả tự do vào ngày
26.3.2004. Liên Hiệp Quốc xác nhận tôi vẫn nằm dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp
Quốc, nên đã làm thủ tục cho tôi đi định cư tại vương quốc Thụy Ðiển ngày
22.6.2004.
"Từ khi đến Thụy
Ðiển tôi mới thực sự hít thở được không khí tự do, bỏ qua đi những tháng ngày
đen tối, mòn mỏi trong ngục tù cộng sản.
"Trước kia tôi không
rõ, nhưng bây giờ tôi mới biết là Quốc hội châu Âu đã không ngừng lên tiếng
bênh vực cho trường hợp của tôi trong thởi gian tôi ở trong tù. Nếu việc này mà
biết được thì sẽ giúp tôi thắng vượt nỗi cô đơn qua bao nhiêu tháng dài trong
tù. Tôi cũng biết thêm rằng Quốc hội châu Âu đã thông qua hằng chục Quyết nghị
bênh vực cho nhân quyền tại Việt Nam.
"Tôi hết lòng biết
ơn và nhân cơ hội đến đây hôm nay, tôi xin biểu tỏ tự đáy lòng mối tri ân của
tôi. Không có áp lực quốc tế của các vị Dân biểu Quốc hội châu Âu đại diện các
đảng phái, các vị Thượng nghị sĩ, Dân biểu Quốc hội Cam Bốt thuộc đảng Sam
Rainsy hiện có mặt hôm nay tại cuộc điều trần, của ông Võ Văn Ái và các tổ chức
nhân quyền trong thế giới, thì tôi sẽ không bao giờ được trả tự do, và cũng không
chắc gì còn sống sót để đứng đây hôm nay.
"Tôi muốn nói lên
một điều, là áp lực quốc tế cho những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền rất
quan trọng. Mỗi ngày, mọi người dân bình thường đều có thể bị bắt vì phê phán
ôn hòa đảng Cộng sản hoặc biểu tỏ ý kiến mình về tự do tín ngưỡng và tôn giáo.
Rất dễ bị án tử hình chỉ vì gửi điện thư ra nước ngoài. Không có áp lực quốc
tế, nhà cầm quyền cộng sản sẽ bịt họng toàn dân mà không sợ bị trừng phạt. Xin
quý ngài hãy giúp chúng tôi nói lên nỗi thương tâm của chúng tôi cho thế giới
được biết. Xin Quốc hội châu Âu hãy lên tiếng bênh vực cho hàng nghìn tù nhân
chính trị đang bị giam cầm tại Việt Nam, trong số này có Hòa thượng Thích Huyền
Quang và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ.
"Ðặc biệt, tôi
không bao giờ quên ơn chính phủ vương quốc Thụy Ðiển, là một thành viên của
Liên hiệp châu Âu. Ðất nước này đã dang rộng vòng tay đón nhận bao nhiêu người
Việt lánh nạn cộng sản ra đi tìm tự do, và giờ này đất nước này cũng đã cưu
mang tôi sau những đêm dài tăm tối bị cầm tù và ngược đãi dưới ách cai trị hà
khắc của chế độ cộng sản Việt Nam.
"Xin chân thành
cám ơn quý liệt vị và cầu chúc quý liệt vị thân tâm an lạc".
Nguồn: Quê Mẹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét