Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO: TỪ SĨ QUAN QLVNCH ĐẾN THUYỀN NHÂN BI LÃNG QUÊN

VPY - Trong số 19 đồng bào tỵ nạn thuộc nhóm thuyền nhân cuối cùng bị bỏ quên ở Thái Lan đến vùng đất hứa hôm 23/09, có bà Lê Thị Ba, cựu nữ sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1974, đang học năm thứ 2 Luật khoa, bà Lê Thị Ba giã từ giảng đường đại học, tình nguyện gia nhập Quân đội. Tốt nghiệp trường Nữ Quân nhân, bà được gửi đi học khóa đào tạo huấn luyện viên tại trường Sĩ quan Trừ bị Long Thành.
Nữ chuẩn úy Lê Thị Ba (thứ 7 hàng đầu từ trái sang) trong ngày lễ tốt nghiệp khóa sĩ quan nữ quân nhân.
Mãn khóa ngày 18 tháng 4 năm 1975, bà Lê Thị Ba được thuyên chuyển về trường Nữ Quân nhân đảm nhiệm chức vụ huấn luyện viên. Đúng 12 ngày sau, Sài Gòn sụp đổ. “Tôi buồn không thể nào nói được, chỉ biết khóc, ước mơ tan vỡ từ đây”, bà Lê Thị Ba hồi tưởng.
Đoạn đường chông gai bắt đầu sau ngày oan nghiệt 30 tháng Tư năm 1975. Để mưu sinh, bà Lê Thị Ba lặn lội suốt ngày ở chợ trời mua bán quần áo cũ hoặc bất cứ vật dụng nào. Sau một thời gian, bà chuyển sang mua bán cám từ Long An về Sài Gòn. “Sau đó, tôi mua bán dầu phọng, đường chảy. Khổ cực nhưng vẫn không yên. Mỗi khi có sự kiện nào xảy ra, tôi bị giam lỏng ở đồn Công an suốt ngày. Ngoài ra còn phải lao động xã hội chủ nghĩa, đào kinh, thủy lợi”, bà Lê Thị Ba nói.
Không thể sống trên quê hương, bà Lê Thị Ba bán các tài sản có giá trị của gia đình bỏ nước ra đi. Từ tỉnh Đồng Tháp (Sa Đéc và Kiến Phong trước 1975), điểm xuất phát của một hành trình nhiều gian nan, hiểm nguy, với ước mơ sẽ được sống trong Tự do, bà vượt biên sang Campuchia. Tạm trú ở quận ngoại ô Miengchay, khu vực cầu Sài Gòn (cầu Chba Om Pau), nơi có nhiều người Việt cư ngụ trong vài ngày, sau đó bà được đưa đến một địa điểm gần thành phố Kompong Som (Sihanoukville), và phải băng rừng để vào hải cảng này. Từ nơi đây, bà xuống tàu, đi một ngày một đêm đến tỉnh Trat, Thái Lan. Sau một tháng tạm trú tại Trat, Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc chuyển bà Lê Thị Ba về trại tỵ nạn Phanat Nikhom vào ngày 26 tháng 11 năm 1989.
Để giảm bớt làn sóng người rời bỏ “thiên đường Cộng sản”, ngày 04 tháng 3 năm 1989, Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc thi hành chính sách thanh lọc người tỵ nạn. Do tỷ lệ được công nhận là người tỵ nạn ở Thái Lan rất thấp, bà Lê Thị Ba bị từ chối cấp quy chế tỵ nạn và bị cưỡng bách hồi hương. Năm 1996, nhiều thuyền nhân bất hạnh bị xếp vào thành phần này, bị biệt giam, đã mổ bụng tự sát. Bà Lê Thị Ba uống thuốc tự vẫn, được đưa vào bệnh viện cứu cấp. Từ bệnh viện, bà trốn thoát ra ngoài, bắt đầu cuộc sống vô định, trở thành một người vô tổ quốc, lưu lạc ở Thái Lan và cương quyết không trở lại nơi bà đã ra đi.
“Lúc đó, khi trở thành người sống bất hợp pháp ở Thái Lan, tôi rất đau khổ. Tôi tự hỏi tại sao tôi phải như vầy và tôi sẽ ra sao. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng sống dù không còn chút hy vọng về tương lai”, bà Lê Thị Ba nói thêm.
Hơn 20 năm qua, bà Lê Thị Ba cư ngụ ở một khu vực cách Bangkok 80 cây số và sinh sống với nghề may. Ròng rã trong hai thập niên, mỗi ngày lúc 3 giờ rưỡi sáng, từ nhà trọ, bà đi xe đạp đến ga xe lửa lên Bangkok làm “chui” và trở về nhà lúc 8 giờ tối. Trên đường đi làm, bà phải né tránh cảnh sát và xa lánh đám đông. Do chỉ nói được vài câu tiếng Thái thông dụng, trên xe lửa, bà phải giả vờ ngủ để không phải trả lời những hành khách hay bắt chuyện.
“Khi được tin Canada vì lý do nhân đạo, chấp nhận cho định cư, tôi vui mừng không thể diễn tả được thành lời. Tôi đếm từng ngày, mong cho đến ngày được khám sức khỏe, được cấp giấy xuất nhâp cảnh. Tôi và những người cùng đi Canada chuyến này vô cùng tri ơn vị mạnh thường quân ẩn danh đã đài thọ tiền vé máy bay và hai cô gái đã đóng tiền phạt cư trú bất hợp pháp cho chúng tôi để chúng tôi có thể rời khỏi Thái Lan”, bà Lê Thị Ba nói.
“Bây giờ đã đến được đất nước Tự do như đã ước mơ, và sẽ trở thành công dân thực thụ nhưng lo lắng đã bắt đầu hình thành dù tổ chức VOICE đã thu xếp nơi cư trú ổn định. Với hành trang đến xứ người chỉ là vài bộ quần áo cũ, tôi lo lắng đủ thứ: Ngôn ngữ bất đồng, làm thế nào để hội nhập xã hội mới khi tuổi trẻđã không còn. Nay chỉ ước mong sao có việc làm để có thể tự lập”
Tối thứ bảy 08/10 vừa qua, khi tham dự đêm Đại Dương do Hội Ái hữu Hải quân VNCH tổ chức, bà Lê Thị Ba cho biết bà vô cùng xúc động được nhìn thấy lại hình ảnh năm xưa qua bộ quân phục, bao nhiêu kỷ niệm hào hùng của những ngày tháng cũ chợt hiện về khi đứng nghiêm chào lá cờ Vàng ba sọc đỏ.
Đoạn đường trước mặt tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn, nhưng với ý chí của một phụ nữ đã từng có thời chọn binh nghiệp là lý tưởng phục vụ tổ quốc, từng lưu lạc xứ người trong bao năm, chắc chắn bà Lê Thị Ba sẽ vượt qua.
VPY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét